1. Hồ màu hồng Retba, Senegal
Hồ Retba hay Lac Rose nằm ở phía Bắc bán đảo Cap Vert, phía Đông Bắc thủ đô Dakar, Senegal. Hồ nằm cách thủ đô Dakar của Senegal 35km, có diện tích 35km2. Tùy vào các thời điểm trong ngày, nước ở đây sẽ chuyển từ màu tím nhạt sang màu phớt hồng.
(Ảnh: BlazePress.com)
Sở dĩ hồ này có sắc hồng vì hàm lượng muối trong hồ thu hút những con vi khuẩn dunaliella salina. Loại vi khuẩn này ra sẽ hấp thụ và sử dụng ánh mặt trời, tạo thêm nhiều năng lượng để chuyển nước sang màu sữa dâu.
Tại đây có một nhà máy sản xuất muối nhỏ và công nhân thu hoạch muối 6-7 giờ mỗi ngày. Người dân địa phương khai thác nước hồ Retba lấy muối để bảo quản cá. Họ ngâm mình sâu trong nước, cạo lớp dưới cùng của hồ lọc lấy muối.
Điều đặc biệt, cũng nhờ có hàm lượng muối cao tương tự như biển chết, mà hồ này khiến con người dễ nổi trên mặt nước.
Tuy nhiên, trên thế giới còn một số hồ nước có màu hồng nữa cũng xinh đẹp không kém hồ Retba, đó là Hồ Hillier nằm ở Middle Island, hòn đảo lớn và nổi bật nhất trong quần đảo Recherche, phía Tây Australia.
Hồ Hillier nằm ở Middle Island (Ảnh: Wikipedia)
Ngoài ra, cũng tồn tại hồ nước màu hồng khác là hồ Hutt, hồ muối nằm ở bờ biển phía Bắc Sông Hutt và nằm sát bờ biển phía Tây Australia. Nước trong hồ có màu hồng, hoặc thỉnh thoảng chuyển thành màu đỏ do có sự xuất hiện của loại tảo Dunaliella Salina.
2. Tượng Lạc Sơn Đại Phật khổng lồ ở Trung Quốc
Tạc từ một vách núi, Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng với cặp mắt hơi mở đang từ bi nhìn xuống chỗ hợp lưu của vài con sông bên dưới.
Tượng Lạc Sơn Đại Phật (Ảnh: Youtube.com).
Bức tượng bằng đá này được xây dựng vào thời nhà Đường, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Với chiều cao 71 mét, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98m, đầu cao 14,7m, rộng 10m, mắt rộng 3,3m, mũi dài 5,6m, miệng rộng 3,3m, tai dài 7m, cổ cao 3m, vai rộng 28m, thân thể rộng 28,5m, chân dài 10,3m, rộng 9m.
Đỉnh đầu tượng Phật có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng khoảng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.
(Ảnh: worldalldetails.com).
Đây là bức tượng chạm khắc của Phật Di Lặc, và công trình này cần 90 năm để hoàn thành. Tượng được đặt ở đó với niềm hy vọng những con thuyền đi qua sẽ bình yên vượt qua vùng nước dữ. Có lẽ vì được tạo ra với hy vọng bảo hộ cho con người, nên mỗi khi có tai nạn to lớn xảy ra, tượng Lạc Sơn Đại Phật đều rơi lệ.
3. Giếng bậc thang Chand Baori, Ấn Độ
Nằm gọn trong một ngôi làng Abhaneri tại miền Đông bang Rajasthan (Ấn Độ), Chand Baori là một trong những công trình độc đáo và là một nét đặc trưng của đất nước Ấn Độ.
(Ảnh: Wikipedia)
Giếng được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX bởi Vua Chanda của triều đại Nikumbha. Theo các truyền thuyết cổ xưa của người dân địa phương thì ma quỷ đã giúp họ xây dựng công trình này chỉ trong vòng một đêm.
(Ảnh: Wikipedia)
(Ảnh: Wikipedia)
Giếng Chand Baori với độ sâu 30m với 13 tầng và 3.500 bậc thang, đây được xem là giếng nước kỳ lạ nhất thế giới. Giếng được xây để lấy nước ngầm và hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng.
4. Hố xanh khổng lồ
Hố xanh (Great Blue Hole) ở nước Cộng Hòa Belize là một hố tròn hoàn hảo. Đường kính của hố rộng tới 305m và sâu 123m, nằm gần đảo san hô Lighthouse, cách thành phố Belize khoảng 100km.
Nhìn từ trên cao, Hố xanh trông giống như con mắt khổng lồ xanh thẫm vô cùng quyến rũ và kỳ bí. Các nhà khoa học đã phân tích nhũ đá của The Great Blue Hole và cho rằng nó bắt đầu được hình thành từ hơn 15.000 năm trước.
Tiến sâu xuống chiếc hố bí ẩn dưới lòng đại dương này, các nhà tham hiểm đã phát hiện ra những quang cảnh vô cùng đáng kinh ngạc, được tạo nên từ những khối nhũ đã khổng lồ.
Một phác họa về mặt cắt của hố cũng được minh họa lại để những người ưa khám phá hình dung cụ thể hơn về chiếc hố bí ẩn. Bên cạnh đó, phác họa này cũng mở ra một trong những giả thuyết rất lý thú liên quan tới sự biến mất của một trong những nền văn minh cổ xưa Maya – một bộ tộc thổ dân châu Mỹ mà từ 2000 năm trước đây đã từng sinh sống ở bán đảo Yucatán của Trung Mỹ, thuộc đông nam Mexico, Bắc Guatemala và Honduras ngày nay.
(Ảnh: The New Fox)
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Andre Droxler – Đại học Rice sau khi phân tích trầm tích lấy từ hố xanh này, cho thấy nhiều căn cứ rõ rệt về việc văn minh Maya phải hứng chịu tới 2 đợt hạn hán lớn. Đợt thứ nhất vào khoảng năm 800 tới năm 1000 sau công nguyên, đợt thứ 2 vào khoảng từ năm 1000 đến năm 1100 sau công nguyên – đế chế Maya biến mất cũng vào khoảng thời gian này.
5. Hố tử thần Jacob
Giếng Jacob (Jacob’s Well) tại Texas, Mỹ là một dòng suối lâu năm có vị trí tại đáy của dòng Cypress Creek. Giếng lần đầu tiên được khám phá vào những năm 50 của thế kỷ 19, khi 2 người khai hoang đi theo dòng Cypress Creek lên đầu nguồn. Họ đã mô tả khe nứt dưới đáy sông có một dòng nước trong vắt, mát lạnh “như thể giếng nước thời kỳ kinh thánh vậy”.
(Ảnh: dẫn qua Pinterest)
Giếng Jacob là một trong những động nước dài nhất ở Texas. Từ miệng giếng, động nước đi thẳng xuống khoảng 10m, rồi tiếp tục xiên chéo qua hàng dãy các hang bùn, cuối cùng chạm đến độ sâu 40m.
Được xem là một trong những hệ thống hang động sâu nhất, rộng nhất tại Texas, “thế giới ngầm” bên dưới giếng Jacob đủ sức hấp dẫn cho hàng loạt thợ lặn bất chấp tính mạng để đi theo “tiếng gọi của giếng không đáy“.
(Ảnh : Wikipedia)
Với mong muốn giải mã bí ẩn bên dưới “giếng không đáy” ở Mỹ, rất nhiều nhà khoa học đã đích thân lặn sâu xuống vùng nước này với hệ thống bảo hộ hiện đại nhất. Họ cho biết, khi lặn ở độ sâu trên 30m ở giếng Jacob, con người rất dễ rơi vào trạng thái ảo giác do ngộ độc hơi nitơ (như N02, NO).
(Ảnh: dẫn qua Kienthuc.net)
Nguyên nhân giếng Jacob được mệnh danh là “hố tử thần” là bởi vì nó đã cướp sinh mạng của ít nhất 8 thợ lặn. Tuy vậy, giếng Jacob vẫn là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Texas. Khi tới đây, du khách không chỉ có thể tận hưởng cảm giác mạnh khi lặn xuống lòng giếng, mà còn có thể chụp những bức ảnh thực sự ấn tượng như thế này.
(Ảnh: Hospost Media)
6. Thành phố Sư Tử nghìn năm tuổi dưới nước
Thành phố dưới nước được mệnh danh là “Atlantis của Phương Đông”, chính là thành phố cổ Sư Thành (thành phố sư tử) nằm dưới đáy hồ nước nhân tạo Thiên Đảo, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thời điểm khởi công hồ nước nhân tạo này cũng chính là thời điểm thành phố bí ẩn này được phát hiện.
(Ảnh National Geography)
Sư Thành được xây dựng dưới thời Đông Hán cách đây 1.300 năm, với diện tích tương đương bằng 62 sân bóng đá, có 5 cổng chính, mỗi cổng thành có một tòa tháp lớn. Các con đường trong thành phố được lát đá cuội và các phiến đá lớn.
(Ảnh National Geography)
Trước khi bị nhấn chìm dưới nước, Sư Thành có sáu con đường chính xây bằng đá, được sử dụng để kết nối mọi ngõ ngách trong thành phố. Cùng thời điểm đó, có 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm. Ít ai ngờ, nằm sâu bên dưới Thiên Đảo Hồ từng là một trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.
(Ảnh National Geography)
Theo tạp chí Our World: “Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước. Với những tàu ngầm đặc biệt có chiều cao 3,8m, chiều dài 23m và sức chứa 48 hành khách trị giá 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ VND), tất cả mọi người đều có thể thăm thú thành phố dưới nước“.