6 nguyên do khiến vợ chồng xung đột

Tiền thường là nguyên nhân của rất nhiều tranh cãi. Vợ chồng quá khác nhau về cách chi tiêu mà không nói chuyện thống nhất thì nhiều nguy cơ dẫn đến cãi vã nảy lửa.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, những bất đồng là một phần tất yếu của các mối quan hệ xã hội, kể cả với đôi lứa yêu nhau. Đặc biệt, khi 2 người cưới nhau về sống chung dưới một mái nhà, tranh cãi là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là làm sao giải quyết những bất đồng này một cách ổn thỏa và tìm được tiếng nói chung.

Theo ghi nhận của các nhà tâm lý, có 6 vấn đề phổ biến dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, thậm chí làm tan vỡ gia đình khi không tìm ra cách giải quyết thống nhất:

1. Chuyện sinh con

Sau khi lấy chồng, phụ nữ thường muốn có con sớm để ẵm bồng và gắn kết tình cảm gia đình. Tuy nhiên, nhiều ông chồng lại mang tâm lý không muốn bị ràng buộc, do đó họ trì hoãn thời gian sinh con. 

Trong trường hợp này, thông thường những lời thuyết phục của người vợ sẽ không mấy phát huy tác dụng. Do đó hãy hỏi ý kiến của cha mẹ, người lớn là những người có kinh nghiệm hoặc thân cận với chồng, nếu thấy thực sự việc có con là cần thiết, hợp lý thì bạn nên nhờ họ tác động giúp.

2. Tiền

Đây là vấn đề muôn thuở của các gia đình. Việc sử dụng tiền như thế nào phản ánh rất rõ phong cách sống của một người, đặc biệt khi đã lập gia đình, thói quen chi tiêu ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tài chính của cả nhà. 

Nếu vợ chồng quá khác nhau về cách chi tiêu, không thể dung hòa mà lại không ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với nhau thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến những trận cãi vã nảy lửa. Thực tế rất nhiều đôi đã phải đối diện với vấn đề này trong nhiều năm liền.

Nếu bạn nhận thấy vợ chồng mình đang hục hặc về tiền bạc, thay vì tập trung vào số tiền hay các món đồ đắt tiền đã mua thì hãy ngồi lại và nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau. Hãy khuyến khích nhau bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề này. 

Một khi 2 người nói chuyện thẳng thắn trên tinh thần tôn trọng nhau thì sẽ tránh được xung đột, từ đó tìm được tiếng nói chung và đưa ra những giải pháp thống nhất.

3. Quyền hành trong nhà

Các đôi khi về sống chung mái nhà thường cảm thấy khó chịu về sự chênh lệnh quyền hành trong nhà chứ không thể bình đẳng như suy nghĩ của họ trước đây. Một trong hai người có thể cảm thấy bị ép buộc chấp nhận những quyết định của bạn đời chứ không được tự do quyết định. Sự dồn nén này có thể dẫn đến một cuộc cãi vã dữ dội không lường trước được.

Chìa khóa cho vấn đề này là hãy đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu được cảm giác và cá tính của bạn đời. Nếu thực sự một người đang đảm nhận quyết định quá nhiều việc còn người kia lại không có tiếng nói gì trong gia đình thì hãy san sẻ bớt cho nhau, hoặc cố gắng hỏi qua ý kiến của bạn đời trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.

4. Chuyện tình dục

Sức khỏe con người thay đổi theo thời gian và ham muốn tình dục cũng thế. Hầu hết các cặp vợ chồng đều có một khoảng thời gian khó khăn để dung hòa nhu cầu ấy. 

Trên thực tế đàn ông và phụ nữ dù ở lứa tuổi nào cũng có sự thay đổi về ham muốn tình dục. Đó là điều tự nhiên. Ngoài nguyên nhân về tuổi tác, vấn đề này còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống, giấc ngủ và các mối tương quan.

Việc thống nhất dung hòa nhu cầu tình dục mà cả 2 vợ chồng là rất quan trọng vì mỗi người đều có những nhu cầu khác nhau. Hãy thử nghĩ xem, nếu nhu cầu tình dục của bạn không được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy không vui và chắc chắn sẽ dẫn đến những bất đồng. 

Lúc này hãy ngồi lại với nhau, tìm ra quãng thời gian ân ái lý tưởng mà cả hai đã trải qua hoặc mong muốn. Sau đó ngồi lại thương lượng xem nên chọn phương án nào dung hòa nhất vừa đủ cho nhu cầu của cả hai. Có như thế, cuộc sống vợ chồng mới được như ý.

5. Các mối quan hệ bên ngoài

Khi bạn lập gia đình, thế giới của 2 vợ chồng sẽ hòa nhập vào làm một, trong đó bao gồm cả những mối quan hệ. Đó có thể là những đứa con riêng, những thành viên gia đình hoặc bạn thân. Các cặp vợ chồng dễ nảy sinh tranh cãi nếu có thêm một hoặc nhiều người khác chiếm mất nhiều thời gian riêng tư của vợ chồng.

Để tránh các cuộc xung đột về vấn đề này, hãy sắp xếp thời gian một cách hợp lý, đảm bảo người thân, bạn bè hay những thành viên khác đều cảm thấy được bạn chia sẻ nhưng vẫn giữ một chừng mực nhất định. Bạn cũng có thể nói chuyện một cách nhẹ nhàng để họ cảm nhận được sự chăm sóc của bạn, trong khi vẫn giữ mối quan tâm hàng đầu cho mối quan hệ vợ chồng của mình.

6. Việc nhà

Khi chồng hoặc vợ bạn phải làm việc nhà một mình mà không được chia sẻ, họ sẽ cảm thấy không công bằng. Sự oán giận tích tụ lâu dần có thể dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã. 

Cách tốt nhất để thôi tranh cãi (kể cả khi có con cái ở nhà hay không) là nói chuyện nhẹ nhàng với nhau, cả về nhiệm vụ, vai trò và ghi nhận về nỗ lực của người kia. Thực tế, chia sẻ công việc gia đình với nhau sẽ giúp cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hơn nhiều.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ