Vợ chồng... máy phát

GD&TĐ - Nhiều cặp vợ chồng phải tiếng "khắc khẩu", dù đã kết hôn hàng chục năm vẫn duy trì kiểu nói chuyện chấp nhặt, bắt bẻ từng lời, thường xuyên "tranh luận" nảy lửa trước mặt con cái.  

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Khi cả hai đều là máy phát

Vợ chồng anh Tuấn, chị Liên có thâm niên 9 năm “đấu khẩu”. Chị Liên cho biết, với bản tính cố hữu của cả anh và chị, khi nói chuyện không thể “bên phát – bên thu” được. Đã có chuyện gì là phải nói, nói khí thế, nói đến cùng, nói đến hết lí lẽ thì thôi. Một bên chỉ im lặng sau khi thấy bên kia đúng là có lí.

Cũng may là đấu khẩu trong ngần ấy năm nhưng họ vẫn yêu nhau và vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Bởi theo chị Liên thì những cuộc “đấu khẩu” của vợ chồng chị luôn tuân thủ những nguyên tắc nhất định: Không xúc phạm lẫn nhau, không xưng hô thô thiển, không dùng lời lẽ thiếu thẩm mỹ.

Chị Liên tủm tỉm: “Chúng tớ thuộc thành phần vợ chồng hay cãi nhau (mà tớ vẫn thường tự an ủi và khoác cho nó cái mỹ từ là "tranh luận"), nhưng có lẽ do cãi nhau kín đáo và khoa học nên chưa thấy con cái và mọi người xung quanh ý kiến ý cò gì”.

Chuyện “đấu khẩu” ở nhà chị Hạnh (Long Biên, Hà Nội) lại chia ra làm mấy giai đoạn. Hồi mới cưới nhau xong, có chuyện gì không hài lòng là anh lại câm như hến. Vợ gọi không thưa, hỏi không nói. Vợ nấu cơm xong, mời anh ăn thì ăn, không thì sau đó anh tự làm một gói mì tôm.

Tình trạng im lặng này có thể kéo dài một, hai ngày, thậm chí cả tuần nếu chị Hạnh không làm lành trước. Nhìn chồng nằm dài thườn thượt, mặt nặng trình trịch như đưa đám. Mặc dù biết rõ mười mươi là chồng sai, nhưng vì không chịu nổi cảnh đó nên sau vài hôm chị Hạnh lại phải quay sang làm lành.

Sau khi có con, không chịu nổi sự im lặng mãi của chồng nên chị bắt anh phải “nói cho ra nhẽ”. Lúc này bắt đầu khẩu chiến: anh toàn nói những lời khó nghe, vợ toàn lí sự.

Khi hết chiến, lại bình thường, vợ hỏi: “sao lúc cãi nhau anh đanh đá, chua ngoa thế”. Chồng cãi: “Khi giận, anh im lặng thì bảo sao anh không chịu nói, cứ lầm lầm lì lì em không chịu được. Khi anh nói thì em lại bảo đanh đá chua ngoa là sao hả? Khi tức lên rồi thì làm sao mà kìm chế được?”

Biết tính chồng như thế nên bây giờ, hễ có gì tức giận là chị Hạnh lại bỏ đi đâu đó cho khuất mặt nhau, rồi lấy điện thoại nhắn tin… đấu lí. Chồng chị buộc phải trả lời cho ra nhẽ, không được xúc phạm, nói những lời độc địa với nhau. Vì thế nên chuyện “khẩu chiến” cũng giảm bớt phần nào.

Ở nhà chị Thu thì mỗi khi cãi nhau đều do chồng gây sự trước. Nhịn cho qua chuyện thì anh bảo “khinh chồng”, nói lại thì bảo “cãi chồng”. Có chuyện gì bực mình ở ngoài là anh lại dồn hết lên đầu vợ.

Điều khiến chị khổ tâm nhất là anh toàn kiếm cớ cãi nhau trước mặt con. Nhiều lúc con gái còn bảo "Mẹ ơi, sao bố hay quát thế, con chẳng làm gì mà bố vẫn quát". Thành ra, mẹ con chị chỉ muốn chồng đi công tác.

Cũng đôi lần thấy anh vui vẻ, chị định góp ý nhẹ nhàng, thì anh lại quay ra cáu bẳn: Đang yên lành lại muốn gây sự. Xem ra cái sự cãi nhau giữa anh chị còn trường kỳ lắm…

Cãi … để hiểu nhau hơn

Vợ chồng căng thẳng là chuyện bình thường. Có thể cãi nhau do tự ái, thiếu tin tưởng nhau, khép kín, hoặc tâm lí sợ người kia “nhảy lên đầu mình nên mình phải nhảy lên đầu người ta trước”.

Cũng có thể do tâm tính khác nhau giữa các cá nhân, sự phản ứng khác nhau trước cùng một sự việc khiến vợ chồng căng thẳng. Vợ chồng cãi nhau thường là vì cách thức đàn ông và đàn bà nhìn sự việc khác nhau. Nếu biết gạt bỏ tự ái để tự nhận ra mình thì sẽ dễ dung hòa hơn.

Cách phụ nữ nhìn sự việc thường chi tiết, trực tiếp và dùng trực giác để giải quyết vấn đề ngay trước mắt. Còn đàn ông thì ngược lại, cái nhìn của họ là cái nhìn tổng quát, gián tiếp và suy luận.

Vấn đề ở đây là vợ chồng phải biết chấp nhận nhau, nỗ lực để hoà hợp: “Nếu muốn êm ấm, thì bà ấy (ông ấy) như thế nào, mình đành chấp nhận như thế. Nên nỗ lực và cố gắng thay đổi nửa kia cùng với nỗ lực thay đổi bản thân mình để giảm thiểu khoảng cách trong nhận thức và hàng động...”. Hãy tự an ủi với câu danh ngôn “Giang sơn khả biến, bản tính nan di”. Bản thân mình cũng là một thành trì khó thay đổi chứ không riêng gì “nửa yêu thương”.

Như vậy, nếu muốn hòa hợp, chồng cần để vợ là đàn bà chứ không áp đặt lối suy nghĩ để biến vợ thành đàn ông. Vợ cũng phải biết nhìn nhận sự khác biệt giữa nam và nữ. Từ việc biết rằng mình khác với bạn đời để lắng nghe, bù đắp thiếu sót cho nhau.

Để những cuộc khẩu chiến “từ từ biến mất”

Kinh nghiệm để loại dần những cuộc khẩu chiến ra khỏi cuộc sống thường nhật, chị Hồng chia sẻ bí quyết riêng: “Phần lớn là do mình nhịn chồng”. Những gì không cần thiết thì bỏ qua, không nói.

Bát đũa còn có khi va chạm, huống hồ là cuộc sống vợ chồng nhưng mình biết nhịn chồng một chút, rồi chồng cũng nhận ra và sẽ đáp lại như mình muốn vì không có ai cãi nhau, chả lẽ lại nói một mình? Là phụ nữ, là vợ, là người mẹ, mình luôn là người đi tiên phong để giữ hòa khí gia đình.

Chị Xuân, nhân viên bán hàng cho biết: “Ngày còn son mới, mình thuộc hàng “máu lửa” mỗi khi khẩu chiến. Sau rút ra bài học, khi nóng giận phụ nữ mình nhịn thì sẽ êm thôi. Chồng nóng quá thì mình xuống giọng: “Em không muốn nói thêm nữa, lúc khác mình nói chuyện...” Như thế chồng cũng có cớ mà xuống giọng. Cãi nhau làm gì cho mệt, lúc điên tiết lên lại sướng miệng buông lời làm tổn thương nhau?”

Để “nhịn” được, chị Xuân cũng phải trải qua không ít lần đấu khẩu. Nhưng sau đó nghĩ lại, thấy mình cũng hơi quá đà, với lại những khi vui vẻ, chồng hay năn nỉ chị: “Khi anh bực lên anh không còn biết gì hết, mất khôn rồi, em nhường đi thì sau đó muốn nói gì cũng được!”. Nếu chồng đã nói vậy rồi thì mình còn lí do gì để không nhường nhịn nữa, phải không?

Với chị Nhung, anh Tùng thì đứa con chính là người giữ hoà khí. Mỗi khi thấy bố mẹ cãi nhau là bé lại nhảy tưng tưng: “Bố không được mắng mẹ”, và chạy về phía mẹ “mẹ cũng không được mắng bố nữa, mẹ hư”. Hai vợ chồng mà nghe con lên tiếng là lập tức im ngay.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học San Carlos (Philippines), trẻ mới lớn dễ có nguy cơ bị tổn thương về tinh thần nếu thường chứng kiến cảnh cãi vã giữa bố và mẹ. Cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trên 2.051 em trong độ tuổi từ 17-19. Các nhà khoa học thấy rằng cứ 10 trẻ nam mới lớn thì có một em có ý định tự tử khi chứng kiến cảnh bố mẹ hay cãi nhau còn tỷ lệ này ở các em nữ là 1/5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ