5 nhà mạng ký cam kết đồng loạt cắt hợp đồng với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao

5 nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel, Vietnamobile vừa ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Theo cam kết của 5 nhà mạng này nếu đại lý vi phạm quy định về quản lý thuê bao thì sẽ bị các nhà đồng loạt cắt hợp đồng.

3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ phải gương mẫu trong việc thực hiện thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối
3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ phải gương mẫu trong việc thực hiện thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối

Như vậy, sau khi 5 doanh nghiệp di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết với Bộ TT&TT ngày 28/10/2016 về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối áp dụng từ ngày 1/11/2016 thì đây là lần thứ 2 năm nhà mạng này ký thêm cam kết để mạnh tay xử lý vấn nạn SIM đã kích hoạt sẵn bán trên kênh phân phối.

Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, sau khi 5 nhà mạng ký cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, chống tin nhắn rác, Viettel với tư cách nhà mạng lớn đã nghiêm túc thực hiện. Kể từ ngày 1/1/2017 toàn bộ SIM của Viettel bán ra là SIM 0 đồng. bên cạnh đó, Viettel cũng nghiêm túc thực hiện chặn, khóa một số SIM kích hoạt sẵn. Tất nhiên ở một số điểm bán vẫn còn một số SIM, việc này là vì đã có một quá trình dài phát triển như vậy nên số lượng SIM kích hoạt sẵn vẫn còn.

“Bây giờ chúng tôi đang phối hợp với các nhà mạng khác để thu hồi SIM bán ra từ trước. Viettel có rất nhiều điểm bán, chúng tôi thấy rằng các quy định hiện nay đều được thực hiện. Viettel thời gian qua đã khóa 1.000 tài khoản của đại lý. Mới đây các nhà mạng cũng đã thống nhất với nhau đưa 4 tiêu chí vào quản lý đại lý. Theo cam kết mới này, nếu một đại lý bán cả SIM Viettel, VinaPhone, Hanoi Telecom mà vi phạm chỉ với 1 nhà mạng thì cũng không được bán các nhà mạng khác” ông Hoàng Sơn nói. 

“Tôi phải nói rằng vẫn lo về tính chính xác thông tin thuê bao, đó là kỹ năng của điểm bán. Ngoài ra chúng ta có thể liên kết cơ sở dữ liệu với  các tỉnh, thành phố. Mặc dù không phải toàn quốc  nhưng chúng ta có thiết lập sau này, nhà mạng sẵn sàng kết nối để trong quá trình đăng ký có thể kiểm tra thông tin và từ chối. Nếu có đồng bộ về quy chế và cơ sở dữ liệu thì vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác mới có thể được ngăn chặn” ông Hoàng Sơn nói thêm.

Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, trong giai đoạn 1 các nhà mạng thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối độc lập với nhau, nhưng mới đây các mạng đã ký thỏa thuận thông tin cho nhau về các đại lý vi phạm để xử lý đồng loạt.

Ông Cao Duy Hải cho biết, sau khi các mạng di động cùng ký kết thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, MobiFone quán triệt đến toàn bộ cán bộ nhân viên, yêu cầu thực hiện nghiêm cam kết. Sau đó, MobiFone ra văn bản pháp lý hóa các chủ trương này; với các đại lý thì MobiFone vừa tuyên truyền, vừa giám sát, vừa có các chế tài xử phạt.

 “Chúng tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng của Đảng, Chính phủ và Bộ TT&TT. Làm việc này có lợi về kinh tế vì không phải tốn tiền mua SIM khi người dùng dùng xong một lần rồi bỏ đi và không phải tốn tiền hoa hồng cho các đại lý để phát triển thuê bao ảo. Bên cạnh đó, khi chúng ta quản lý tốt thuê bao trả trước sẽ giải quyết được mối lo ngại về vấn đề an ninh quốc phòng. Thời gian qua, chúng tôi thấy thị trường có chuyển biến tốt, bản thân cán bộ nhân viên trong MobiFone cũng nhận thức được đây là việc có lợi và bắt buộc phải làm”, ông Cao Duy Hải nói. 

Ông Cao Duy Hải cho biết thêm: “Trong giai đoạn 1 các nhà mạng thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối độc lập với nhau nên xuất hiện tình trạng là các đại lý chưa nghiêm, mạng này chặt thì chuyển sang mạng khác. Thế nên, MobiFone ký thỏa thuận với các nhà mạng khác với nội dung nếu một đại lý vi phạm quy định của MobiFone thì MobiFone sẽ thông báo đến các nhà mạng và ngược lại để kiên quyết xử lý các đại lý vi phạm. Qua cam kết đó, các nhà mạng đã thực hiện rất tốt chỉ thị, chủ trương, đường lối của Chính phủ và Bộ TT&TT. Các đại lý cũng nhận thấy đến lúc phải nghiêm túc thực hiện những quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Chúng tôi cũng rất mong sau những cam kết này của các nhà mạng sẽ có kết quả đúng như mong đợi của Chính phủ, Bộ TT&TT”.

Ông Lương Mạnh Hoàng, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, ngay sau khi các nhà mạng ký cam kết, Tập đoàn VNPT đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ. Việc này cũng có quy trình. Thứ nhất là ngăn chặn các SIM mới kích hoạt sẵn, điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay. Bước 2 VNPT tiến hành rà soát các SIM kích hoạt trước ngày chỉ đạo. Về cơ bản SIM kích hoạt 2016 đã khóa hết. Bản chất ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn thực ra là để quản lý thông tin thuê bao.. 

“Vừa qua VNPT đã khóa 5-7 triệu trong đó có cả những thuê bao mới... Trong đó cũng có trường hợp khóa nhầm với SIM chính chủ thật nhưng đăng ký thông tin thuê bao chưa chính xác, tất nhiên tỷ lệ rất nhỏ. Kết quả bước đầu cho thấy SIM kích hoạt sẵn giảm, tin nhắn rác cũng giảm mạnh. Không dừng lại ở SIM đó, VNPT sẽ chấn chỉnh tiếp việc cung cấp dịch vụ gia tăng gây phiền hà cho khách hàng” ông Lương Mạnh Hoàng nói. 

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ được rất nhiều thuê bao đồng tình rằng, doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý SIM rác, tin rác. Nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, SIM rác tồn tại thì phải thay người đứng đầu.

Theo ictnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...