Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2) có hơn 20 năm kinh nghiệm thăm khám cho các bệnh nhi.
Theo bà, ho thực chất là một phản xạ bảo vệ đường hô hấp của cơ thể, thở ra nhanh và mạnh nhằm loại bỏ chất gây kích ứng hoặc dị vật trong đường thở. Ho không phải bệnh lý, mà là biểu hiện khi trẻ gặp các vấn đề sau:
Nhiễm trùng
Cảm lạnh, cúm… có thể dẫn đến tình trạng ho kéo dài ở trẻ nhỏ. Cảm lạnh có xu hướng gây ho nhẹ đến vừa, trong khi cảm cúm nghiêm trọng hơn, gây ho khan. Bệnh viêm thanh khí phế quản thường gây ho vào ban đêm và gây tiếng thở ồn ào.
Trào ngược acid dạ dày
Các triệu chứng bao gồm ho, nôn mửa, hơi thở có mùi khó chịu, ợ nóng. Nếu ho do trào ngược acid, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm có thể gây kích ứng ho (chocolate, bạc hà, thực phẩm giàu chất béo, nhiều gia vị, đồ chiên rán, nước có ga…). Nên cho trẻ ăn cách ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ, và nếu cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
Hen suyễn
Hen suyễn khó chẩn đoán vì mỗi trẻ có triệu chứng khác nhau. Ho, thở khò khè nặng hơn vào ban đêm là triệu chứng thường nghĩ tới bệnh hen.
Một số trẻ có thể thấy ho tăng lên khi hoạt động thể chất nhiều, hoặc khi chơi. Điều trị hen phế quản tùy thuộc vào nguyên nhân gây hen, song cần tránh các yếu tố kích thích như ô nhiễm, khói, nước hoa...
Bệnh dị ứng, viêm xoang
Bệnh dị ứng, viêm xoang cũng gây ho kéo dài, ngứa ngáy, chảy nước mũi và mắt, đau họng. Trẻ cần đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm tìm ra chất gây dị ứng (thức ăn, phấn hoa, lông thú vật, bụi…) và nhận tư vấn cách phòng tránh bệnh. Nếu cần, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc chống dị ứng.
Ho gà
Ho thực chất là một phản xạ bảo vệ đường hô hấp của cơ thể. |
Bệnh gây ho liên tục, có tiếng rít khi trẻ thở. Các triệu chứng khác bao gồm sổ mũi, nhảy nước mũi và sốt nhẹ. Ho gà là bệnh dễ lây qua đường hô hấp nhưng có thể ngăn ngừa bằng vắcxin.
Ngoài các nguyên nhân trên, trẻ cũng có thể có ho do thói quen sau ốm, do hít phải dị vật (thức ăn, đồ chơi nhỏ), hoặc sau khi tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc lá, khói ôtô, xe máy…
Để điều trị ho, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ho để tìm biện pháp điều trị phù hợp. Bố mẹ có thể cho trẻ uống hạ sốt nếu thân nhiệt trên 38,5 độ C, rửa mũi, dùng thuốc và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Thanh tư vấn, cha mẹ không nên quá lo lắng về tình trạng ho của trẻ, bởi đó là phản xạ bảo vệ đường hô hấp. Tuy nhiên, khi trẻ ho nhiều hoặc ho từng cơn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt thường ngày, có thể dùng thêm các loại thuốc ho không cần kê đơn.
Có nhiều loại thuốc ho được bày bán trên thị trường. Bố mẹ nên chọn thuốc ho cho trẻ được chứng minh hiệu quả và độ an toàn qua các nghiên cứu lâm sàng, đặc biệt là cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hiện nay, các loại thuốc thảo dược được ưu tiên sử dụng lâu dài cho trẻ hơn so với thuốc tân dược. Ngoài ra, cần biết rõ cơ chế tác dụng của thuốc, mua nơi có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng.