Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm và làm cho cuộc sống trở nên hòa hợp hơn?
Chào hỏi khi gặp ai đó trong xóm
Nụ cười là một bước đệm cho mối quan hệ tốt đẹp. Khi gặp hàng xóm của mình trong lúc bạn vào hoặc ra khỏi nhà mỗi ngày, đừng đối xử với họ như người lạ. Hãy chủ động chào hỏi, và thậm chí thêm một lời bày tỏ sự quan tâm. Ví dụ: “Cô Thương, cô ra ngoài mua rau đấy ạ?”; “Anh Toàn vừa xong ca trực đêm à?”...
Những lời chào đơn giản như vậy có thể khiến mọi người gần gũi hơn. Ai cũng thích được quan tâm và theo thời gian, mối quan hệ giữa những người hàng xóm sẽ tự nhiên trở nên ấm áp hơn.
Thử tưởng tượng, người hàng xóm bên cạnh nhà bạn là chú Sơn, lúc đầu bạn và chú không quen nhau. Nhưng sau một lần bạn chủ động nói “Cháu chào chú Sơn”, sau này, mỗi lần gặp, chú đều vui vẻ nói cười với bạn. Thật ra đây là sức mạnh của nụ cười và lời chào, giúp bạn mở ra cánh cửa giao lưu với những người hàng xóm.
Giúp đỡ lẫn nhau
Giúp đỡ lẫn nhau là điều khiến mọi người cảm thấy ấm lòng nhất. Hàng xóm chắc chắn sẽ gặp phải trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn có thể giúp đỡ, mối quan hệ sẽ sâu sắc hơn.
Chị T. kể rằng đường ống nước nhà chị từng bị vỡ và chị đã rất hoảng loạn. Lúc đó, anh H. bên hàng xóm đã đến giúp ngay lập tức, khóa van nước, liên lạc với thợ bảo trì và giải quyết vấn đề.
Chị T. rất cảm động trước sự nhiệt tình của anh, và kể từ đó, chị cũng đã chủ động giúp anh một số việc. Thói quen giúp đỡ lẫn nhau như vậy khiến mối quan hệ giữa những người hàng xóm trở nên sâu sắc hơn.
Ngay cả một số việc nhỏ, chẳng hạn như giúp nhận hàng chuyển phát nhanh và giúp trông trẻ khi cần, những hành động có vẻ không đáng kể này cũng sẽ khiến những người hàng xóm cảm thấy ấm áp khi nghĩ đến nhau.
Giữ giới hạn nhất định
Tôn trọng sự riêng tư và đừng hỏi han hay buôn chuyện về ai đó trong xóm. Nói cách khác, bạn nên duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp có giới hạn.
Những câu hỏi kiểu như “Anh kiếm được bao nhiêu mỗi tháng? Hoặc, con cái anh học hành thế nào?... Nếu đối phương không muốn trả lời, điều đó chứng tỏ họ cảm thấy không thoải mái. Tốt nhất nên tôn trọng sự riêng tư và đừng buôn về chuyện của hàng xóm, để bạn có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Suy cho cùng, không ai thích người khác tò mò vào cuộc sống của mình.
Cư xử hòa nhã trong không gian chung

Ở nơi công cộng, hãy thể hiện mình là người hiểu biết và không bao giờ gây phiền nhiễu. Những nơi công cộng như hành lang và thang máy là nơi mọi người đều sử dụng, nên không thể tránh khỏi một số vấn đề nhỏ sẽ xảy ra, chẳng hạn như những thứ đặt trong hành lang ảnh hưởng đến việc đi lại.
Trong trường hợp này, đừng vội nổi giận, mà trước tiên hãy hiểu rõ ý định của đối phương. Bạn có thể tử tế nhắc nhở hàng xóm của mình, chẳng hạn như: “Anh ơi, có những thứ trong hành lang ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người, anh có thể dọn đi không?”.
Hầu hết mọi người sẽ hiểu và sẵn sàng hợp tác. Nếu bạn hét lên ngay từ đầu, điều đó có thể gây ra những tranh chấp không đáng có.
Tham gia hoạt động trong xóm
Ngoài các tương tác hàng ngày, tổ chức một số hoạt động cũng là cách hay để tăng cường mối quan hệ láng giềng. Trong các buổi giao lưu, mọi người tụ tập ăn tối và trò chuyện, hoặc tổ chức các hoạt động cha mẹ-con cái để người lớn tăng cường giao tiếp.
Duy trì mối quan hệ tốt với hàng xóm không khó. Quan trọng là chúng ta có chú ý hay không. Chỉ cần chúng ta cùng nhau làm bằng cả trái tim, cuộc sống sẽ tự nhiên trở nên ấm áp và hạnh phúc hơn.