“5 lý do nên xóa bỏ ngày 20/10 và 8/3” gây tranh cãi

5 lý do nêu ra được rất nhiều người tâm đắc, thích thú nhưng đồng thời cũng có nhiều người không đồng tình.

“5 lý do nên xóa bỏ ngày 20/10 và 8/3” gây tranh cãi

Được chia sẻ vào đúng ngày 20/10 vừa qua, đoạn chia sẻ "5 lý do nên xóa bỏ ngày 20/10 và 8/3 ở Việt Nam" đã tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ trên mạng xã hội Việt với gần 2 nghìn lượt like, hơn 600 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Dù đã qua 4 ngày, thế nhưng 5 lý do mà tác giả Hoàng Huy đưa ra vẫn là đề tài nóng hổi, được dân mạng tham gia tranh luận cực sôi nổi: Có những người thích thú, đồng tình nhưng cũng có người không tán thành và lên tiếng phản đối.

"Rất tán thành với những ý kiến mà người viết đưa ra. Phụ nữ cần được yêu thương, quan tâm và chăm sóc các ngày trong tuần, chứ không phải chỉ riêng có 2 ngày đó", thành viên Mai Loan bình luận.

"Phụ nữ cần được nâng niu, yêu thương một cách chân thành chứ không phải bằng đôi lời chúc sáo rỗng, những món quà vật chất trong những ngày đó.Mình rất thích quan điểm của tác giả" - Thành viên Thiên Trúc bình luận.

 Phụ nữ cần được yêu thương chân thành chứ không phải chỉ riêng trong ngày 8/3 hay 20/10. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ cần được yêu thương chân thành chứ không phải chỉ riêng trong ngày 8/3 hay 20/10. Ảnh minh họa

Trái với những ý kiến ở trên, thành viên Kim Ngân lại cho rằng đây là: "Những lập luận khá phiến diện, không nhìn vào cái hay mà chỉ nhìn vào cái dở.

Trong những ngày kỷ niệm này, chúng ta có nhận thức và ý thức như thế nào cho văn minh thôi, không cần bày vẽ quá lại trở nên lố bịch. Tôi là phụ nữ và tôi nghĩ nhiều phụ nữ khác cũng như tôi, muốn được tôn trọng, yêu thương..."

Còn thành viên Tuấn Lê bình luận: "Nói thì là như vậy nhưng trong 1 năm vẫn cần có những ngày đặc biệt để phụ nữ được tôn vinh, được yêu thương theo nhiều cách khác nhau.

Không phủ nhận hoàn toàn ý kiến của tác giả, nhưng 5 lý do nêu lên cũng chỉ đúng ở 1 khía cạnh nào đó".

Trong khi đó, thành viên Minh Hương Trần thì lại nghĩ tác giả không có ý muốn xóa bỏ 2 ngày kỷ niệm này mà đơn giản chỉ muốn người phụ nữ luôn được yêu thương một cách chân thành trong những ngày còn lại:

"Mình không nghĩ tác giả gợi ý bỏ hai ngày này thực sự mà bạn ấy chỉ mong muốn phụ nữ không bị cư xử kiểu đãi bôi, giả tạo vào những dịp này trong khi họ bị lãng quên quanh năm.

Vì vậy sẽ là cực đoan khi nghĩ tác giả kêu gọi bỏ những ngày lễ cho phụ nữ".

“5 lý do nên xóa bỏ ngày 20/10 và 8/3” gây tranh cãi ảnh 2

Dưới đây là nguyên văn đoạn chia sẻ của tác giả Hoàng Huy:

"1. Không một cây hoa nào tươi đẹp được nếu chỉ được tưới nước và chăm sóc một hay hai lần một năm. Phụ nữ cũng vậy.

Yêu thương và chăm sóc phụ nữ là việc cần làm hàng ngày và hàng giờ, thế nên yêu thương không cần một ngày lễ, tặng hoa không cần phải có dịp, nhắn tin không cần phải đợi chờ.

Hãy yêu thương phụ nữ mỗi ngày chứ không cần phải đợi đến 20/10 hay một ngày nào đó vì họ luôn xứng đáng được nhiều hơn thế, một hay hai ngày, chưa bao giờ là đủ.

2. Những ngày như 08/03, 20/10 là những ngày mà người ta thường hay tôn vinh, ca ngợi sự “hi sinh” của phụ nữ, xưng tụng đó như một giá trị quý báu của người phụ nữ Việt Nam.

Xã hội càng hiện đại, chúng ta sẽ càng thấy giá trị đó không những không quý báu mà còn là một điều cực kỳ nghịch lý, vì phụ nữ rõ ràng luôn được coi là nửa mềm yếu của thế giới.

Đã là mềm yếu, đã là phái đẹp không được nâng niu, chiều chuộng mà lại còn phải “hi sinh” vì nửa còn lại, thì rõ ràng là “nửa mạnh mẽ” được nhận sự hi sinh kia đang có đầy những khiếm khuyết và chẳng mạnh mẽ gì cho lắm.

Vậy nên, càng ca ngợi – sẽ càng có nhiều phụ nữ tiếp tục hi sinh – và càng có nhiều phụ nữ chưa nhận được phần hạnh phúc của cuộc sống để dành riêng cho họ.

3. Ở nơi nào phụ nữ càng được tôn vinh, càng được tung hô vào một ngày nào đó cụ thể, chứng tỏ những ngày còn lại họ phải chịu nhiều thua thiệt, bất bình đẳng.

Ngày hôm nay, có nhiều phụ nữ được tặng hoa, được nhận thiệp, được tặng quà…..

Nhưng cũng còn rất nhiều phụ nữ khác, ở một nơi nào đó hoặc thậm chí ở ngay quanh mỗi chúng ta, vẫn có những người vợ - những bà mẹ là “tù nhân lương tâm” dài hạn trong sự khô khan của những ông chồng vô tâm, trong sự thờ ơ của những đứa con đã quen được chiều chuộng.

Họ sẽ lại phải giấu đi những nỗi buồn riêng hơn trong niềm vui chung của phái đẹp

4. Ngày 20/10, người ta thường nhắc đến vấn đề giải phóng phụ nữ, tuy nhiên giờ đây khi phụ nữ Việt Nam đã lần lượt được giải phóng khỏi thực dân, khỏi đế quốc, khỏi những định kiến bất bình đẳng giới……thì họ đang bị mắc kẹt, chưa thể giải phóng khỏi kẻ thù lớn nhất: chính bản thân họ.

Họ sợ rằng yêu thương chính bản thân mình, quan tâm đến chính bản thân mình….là một điều sai trái ghê gớm lắm.

Rất nhiều người vợ không giờ quên lo cho chồng tấm áo ra ngoài được phẳng phiu, trong khi quên mất lâu lắm rồi chính mình chưa đi mua quần áo mới; rất nhiều bà mẹ không bao giờ quên nhắc con đi ngủ đúng giờ, nhưng lại quên nhắc chính mình “Lâu lắm rồi chưa đi gặp bạn bè đâu nhé?”.

Vậy nên, giải phóng phụ nữ không cần hô hào xã hội, mà trước hết mỗi người vợ, mỗi người mẹ hãy tự hô hào chính mình đi tìm lại những quyền cơ bản nhất của cuộc sống.

Con trẻ thì ngây thơ, đàn ông thì vụng dại, phụ nữ hãy biết yêu chính mình để làm gương cho họ.

5. Những ngày lễ như 20/10, 8/3 càng được phổ biến thì sẽ càng tạo ra nhiều kẻ nói dối trong xã hội.

Những đứa trẻ thấy những ông bố quanh năm đi nhậu đến tối mịt mới về, hôm nay lại về sớm, lại cắm hoa, lại nấu ăn, lại làm những việc thường ngày chẳng bao giờ làm….để làm vui lòng các bà, các mẹ; chúng sẽ lớn lên trong suy nghĩ rằng: cứ việc bê trễ cả năm, chỉ cần “diễn” tốt trong hai hội diễn 8/3, 20/10 là đủ………và chúng cũng sẽ trở thành những ông chồng như thế.

Hãy bắt những kẻ nói dối ấy phải sống thật mỗi ngày, nhường cho họ quyền được rửa bát khi bạn đã nấu ăn; nhường cho họ quyền được mở cửa, mỗi khi bạn đi xe, phụ nữ nhé, và nếu họ quên, hãy làm ơn nhắc họ tập thói quen ấy mỗi ngày.

Chúng ta đều yêu phụ nữ và mong rằng sẽ đến một ngày mà 20/10 không còn là một ngày đặc biệt nữa bởi vì mỗi phụ nữ đều là điều đặc biệt trong mỗi ngày thường".

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.