5 lưu ý quan trọng trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - chia sẻ những lưu ý quan trọng, giúp thí sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016
Thí sinh thi THPT quốc gia 2016

Bộ đề minh họa không phải tài liệu tham khảo duy nhất

Theo Quy chế thi của Bộ GD&ĐT, nội dung thi năm nay sẽ nằm trong chương trình lớp 12 THPT, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Văn Huấn lưu ý, trong ôn tập, học sinh tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục lớp 12 THPT, ôn tập theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, chú ý nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Trong ôn tập, học sinh cần làm quen với các bộ đề thi minh họa năm 2017 mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Tuy nhiên, học sinh cần chú ý rằng đây chỉ là bộ đề có tính chất minh họa về dạng thức đề thi để giáo viên và học sinh tham khảo trong ôn tập, không phải là tài liệu tham khảo duy nhất.

Rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần. Bài KHTN gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài KHXH gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công (dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).

TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng, với bài thi môn Ngữ văn, học sinh cần rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.

Do hầu hết các bài thi năm nay thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (kể cả bài thi môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm như cách tô mã số báo danh, mã đề thi, cách trả lời các câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong thời gian nhất định.

Những lưu ý khi làm đề thi tổ hợp

TS Nguyễn Văn Huấn nhấn mạnh: Điểm mới năm nay là có bài thi tổ hợp, trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định.

Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX).

Thí sinh làm bài các môn thành phần của một bài thi tổ hợp KHTN/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN). Khi dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, thí sinh phải tuân thủ các quy định dưới đây:

Các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang, số lượng các câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi, chất lượng các trang in, sự trùng khớp về mã đề các môn thi thành phần trong cùng một tổ hợp thi.

Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ hay sai khác về mã đề thi giữa các môn trong cùng một tổ hợp thi phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi phát đề.

Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học).

Thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng; cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Sau khi kết thúc kì thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi, đáp án các môn thi để thí sinh và phụ huynh có thể kiểm tra lại bài làm của thí sinh.

Nắm chắc lịch thi

Thí sinh phải nắm chắc lịch thi gồm ngày thi, từng buổi thi thi bài thi gì, có mặt ở điểm thi lúc mấy giờ,..những quy định trong Quy chế thi như trách nhiệm của thí sinh, những vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi.

Phụ huynh học sinh cần nắm chắc lịch thi của con em mình để nhắc nhở, đảm bảo cho con em mình có mặt đúng giờ ở điểm thi theo quy định, mang theo đầy đủ giấy tở cần thiết như Thẻ dự thi, Giấy chứng minh nhân dân.

Sắp xếp thời gian ôn tập hợp ký

Theo TS Nguyễn Văn Huấn, từ nay đến ngày thi, thời gian không còn nhiều, nên chủ yếu là việc tự ôn tập của học sinh. Phụ huynh học sinh cần sắp xếp cho con em mình thời gian ôn tập hợp lý, khoa học, không gây quá tải.

Học sinh cần bố trí thời gian hợp lý giữa nghỉ ngơi và ôn tập, giữ gìn sức khỏe để tham gia kì thi với tinh thần thoải mái nhất. Với việc có phương pháp ôn tập tốt, bình tĩnh, tự tin, học sinh sẽ dễ dàng vượt qua kì thi THPT quốc gia sắp đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ