1. Kỹ năng kể chuyện
Nghe có vẻ không liên quan nhưng việc này rất quan trọng trong việc bạn có nắm bắt được rõ ràng mọi sự việc xảy ra trên lớp với con mình hay không. Đã có không ít trường hợp con trẻ bị bạn bắt nạt hay gặp chuyện không hay ở trường mẫu giáo trong thời gian dài mà bố mẹ không hề hay biết, vì trẻ không hay kể những chuyện thường ngày.
Hãy luôn cho trẻ có cảm giác được lắng nghe bằng cách kiên nhẫn, không ngắt lời khi trẻ nói về bất kì chuyện gì, kể cả nếu trẻ có nói gì không đúng, bạn cũng nên nghe trẻ nói hết rồi giảng giải cho con hiểu. Bạn nên thường xuyên gợi chuyện bằng những câu hỏi đơn giản và thái độ tích cực để trẻ có hứng thú kể chuyện với bố mẹ.
2. Kỹ năng hòa nhập
Bé hòa đồng và có thể chơi cùng các bạn cũng rất quan trọng khi bé đi nhà trẻ. Điều này khiến các hoạt động của bé cũng dễ dàng hơn khi được tiếp xúc với môi trường mới.
Ở độ tuổi này, bé thường có sở thích khám phá, vui chơi, vì vậy bạn cũng nên dạy cho bé cách chuyển từ hoạt động này sang hoạt động tiếp theo, không nên dành quá nhiều thời gian cho một trò chơi hay hoạt động. Hãy chắc chắn rằng, mọi hoạt động ở nhà của bé đều bình thường.
3. Kỹ năng tương tác với người khác
Bạn cần phải theo dõi bé của mình có tương tác dễ dàng với một hoặc nhiều trẻ em khác hay không? Điều này vô cùng bình thường khi bé ở độ tuổi đi nhà trẻ vì trẻ em luôn có xu hướng “làm quen” với các bạn mới, nếu như con bạn còn e ngại với bạn mới, hãy “cổ vũ” cho bé. Tập cho bé những kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với một người bạn mới: làm quen, chào hỏi và chơi đùa cùng bạn bè.
Cha mẹ nên tập cho bé những kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với những người bạn mới.
Đừng quên dạy trẻ cách trở thành một người bạn tốt: biết chia sẻ đồ chơi, thay phiên và chờ tới lượt mình chơi. Hãy khen ngợi bé khi thấy bé biết nhường đồ chơi cho bạn hay biết chờ đến phiên mình chơi xích đu trong công viên. Đây là những kỹ năng xã hội giúp ích cho bé hình thành tính cách hòa đồng, thân thiện khi tiếp xúc với một môi trường tập thể như trường học.
4. Kỹ năng ăn uống
Bé cần tập cách dùng thìa để xúc ăn, biết định lượng thức ăn vừa đủ để cho vào miệng một cách khéo léo, không làm rơi thức ăn ra ngoài, biết cách cầm ly uống nước hoặc hút nước bằng ống hút sao cho không làm đổ hay ướt áo.
Hãy tạo cho bé nhiều cơ hội tập luyện cách sử dụng thìa, dĩa, ly, ống hút càng nhiều càng tốt để bé có thể tự mình ăn uống mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.
5. Kỹ năng “thông báo” khi muốn đi vệ sinh
Các bé nhỏ cần học cách nhận biết các dấu hiệu “buồn tiểu” hay “muốn đi vũ trụ” để có thể kịp thời gọi cô giáo hay tự mình đi vệ sinh.