Ảnh minh họa.
Đau tầng sinh môn
Đây là những triệu chứng cơ bản đầu tiên mà chị em nào cũng gặp phải khi sinh thường. khi đầu thai nhi quá to hoặc tầng sinh môn ít giãn rộng trong quá trình sinh nở, các bác sĩ buộc phải cắt hay rạch tầng sinh môn. Điều này làm sản phụ cảm thấy đau, khó chịu khi di chuyển trong vài ngày đầu.
Tầng sinh môn cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu bạn thấy đau nhức, có cảm giác như bị côn trùng cắn, ngứa, bị phù nề, mưng mủ thì phải báo ngay cho bác sĩ để cắt chỉ, bôi thuốc sát trùng và băng lại, tránh để trường hợp viêm nhiễm ngày càng nặng.
Đau bụng dưới
Sau khi sinh, tử cung của thai phụ co dần lại, chỉ còn nhỏ như quả bưởi, sờ thấy đáy tử cung ở rốn. Sau 1 tuần thì còn một nửa, tuần kế tiếp thì không còn sờ nắn thấy tử cung ở trên bụng. Quá trình co bóp đó, sản phụ thường cảm thấy đau.
Nếu thấy đau quá nhiều, bạn phải khám xem có viêm nhiễm không? Những cơn đau đó có thể do bạn bị nhiễm trùng dạ con, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, sót rau...Để lâu sẽ nguy hiểm tới tính mạng của bạn.
Ra máu vùng kín
Sau khi sinh, sản dịch thường ra rất nhiều vào những ngày đầu tiên. Kể cả bạn sinh thường hay sinh mổ, tử cung cũng cần phải được “dọn dẹp” sạch sẽ, và đó là lý do vì sao máu ở vùng nhau thai còn sót lại cần được “tống” ra khỏi cơ thể.
Sau 4-6 tuần sản dịch sẽ hết. Nếu bạn thấy lượng máu bạn chảy ra không hề có dấu hiệu thuyên giảm, kèm theo cảm giác đau bụng, sốt thì bạn nên tới bệnh viện trước khi quá muộn. Đó có thể là dấu hiệu của chứng băng huyết.
Táo bón hoặc bệnh trĩ
Sau khi sinh, tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn. Trong quá trình vượt cạn, việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài. Đối với một số trường hợp khi sinh con, bị rạch tầng sinh môn, khi khâu, sản phụ có thể bị khâu chít vào một số mạch máu ở hậu môn, dẫn đến trĩ.
Ngoài ra, tâm lý sợ đau vì vết mổ sau sinh, vết rạch tầng sinh môn, làm không ít mẹ thấy sợ mỗi khi đi đại tiện. Hơn nữa, chế độ ăn quá bổ dưỡng, nhiều đạm, thiếu chất xơ, cũng góp phần làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, để phòng tránh táo tón, mẹ nên tích cực uống nhiều nước, chịu khó vận động nhẹ nhàng sau sinh, ăn nhiều hoa quả, rau củ giàu chất xơ.
Rối loạn đường tiết niệu
Phụ nữ sau sinh rất dễ bị són tiểu, nguyên nhân là do sau quá trình gắng sức để vượt cạn, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo sản phụ trở nên yếu và khó kiểm soát việc tiểu tiện. Triệu chứng này có thể sẽ tự khỏi sau 3-6 tháng khi sinh em bé . Song tình trạng này cũng có thể kéo dài hơn, có người thậm chí đến hàng năm sau vẫn chưa kiểm soát được việc đi tiểu trở lại bình thường.
Ngoài tiểu són, bí tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, sau sinh, bạn có thể còn có nguy cơ mắc phải triệu chứng tiểu không kiểm soát. Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng này: Do thành âm đạo bị rách vì tác động của thủ thuật dùng kẹp forcep trong lúc sinh con, do cổ bàng quang bị tổn thương.
Nếu tình trạng vẫn không hết sau sinh, đặc biệt là sau một khoảng thời gian đã luyện tập thì hãy tìm gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.