5 cạm bẫy lừa đảo qua mạng, người dân cần biết để phòng tránh

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm lại 5 hình thức lừa đảo qua mạng trong tuần từ 11 - 17/3 để người dân phòng tránh.

Một số hình thức lừa đảo qua mạng người dân cần tránh.
Một số hình thức lừa đảo qua mạng người dân cần tránh.

Lừa cấp đổi giấy phép lái xe online

Hiện nay, không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng, mức phí cho dịch vụ này từ 400 - 600.000 đồng, tùy nhu cầu. Có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở GTVT để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sau khi hoàn thiện.

Lừa đảo khi cấp đổi giấy phép lái xe online.

Lừa đảo khi cấp đổi giấy phép lái xe online.

Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ. Nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo. Thực tế, phần lớn đối tượng quảng cáo dịch vụ cấp/đổi giấy phép lái xe đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe nên đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT - nơi đã cấp giấy phép lái xe để được hướng dẫn làm thủ tục hoặc có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân thông qua bất kỳ hình thức nào để tránh bị đánh cắp dữ liệu.

Cạm bẫy khi làm visa giá rẻ

Dịch vụ làm visa giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Dịch vụ làm visa giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người xuất khẩu lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, tìm nhà ở, hỗ trợ việc làm, đặc biệt là làm “Visa giá rẻ”, nhiều đối tượng đã tận dụng thời cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí “làm visa” chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo.

Do đó, người dân có nhu cầu đi nước ngoài làm việc cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên. Người dân khi có nhu cầu làm visa lao động cần tra cứu các doanh nghiệp dịch vụ được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH (website www.dolab.gov.vn).

Giả mạo Cục An ninh mạng

Nhiều trang web đang mạo danh Cục An ninh mạng.

Nhiều trang web đang mạo danh Cục An ninh mạng.

Gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện các trang ghi danh “Cục An ninh mạng” hoặc “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống.

Trên mạng xã hội Facebook đang xuất hiện hàng loạt các trang Fanpage và hội, nhóm tự xưng là "cán bộ Cục An ninh mạng" và Công an một số đơn vị, địa phương, đăng tải bài viết để hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo do tham gia hoạt động theo lời dụ dỗ của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Dấu hiệu nhận biết các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an trên không gian mạng đều sử dụng tên miền có đuôi .vn, như: conganbacgiang.gov.vn, benhvien199.vn...

Theo Cục An toàn thông tin, để hạn chế được vấn nạn trên, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính.

Giả danh Công an để chiếm đoạt tài sản

Mạo danh Công an để lừa đảo.

Mạo danh Công an để lừa đảo.

Ngày 7/3, Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) tiếp nhận tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Đống Đa) về việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.

Người này yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan Công an trình báo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân tuyệt đối không và làm theo những hướng dẫn của đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Lừa đảo xuất khẩu lao động

Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), nhiều người dân đã nộp tiền vào đây để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo Chương trình lao động thời vụ E-8. Nhưng không ai biết rằng, doanh nghiệp này không hề có giấy phép để đưa người đi xuất khẩu lao động.

Do đó, Cục An toàn thông tin cảnh báo người dân cần xác minh thật kỹ thông qua các trang web chính thức của các cơ quan quản lý, để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang", dính "bẫy" các đối tượng lừa đảo. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cũng thông tin, tính đến cuối năm 2023, mới chỉ có 12 địa phương của Việt Nam ký thỏa thuận với địa phương Hàn Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

GD&TĐ - Kyle Walker viết tâm thư chia tay đầy xúc động gửi tới người hâm mộ Man City sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng đến AC Milan.