5 bức ảnh đoạt giải Pulitzer gây chấn động thế giới

GD&TĐ - Có giá trị bằng nghìn lời nói, những bức ảnh đoạt giải Pulitzer là cả một câu chuyện lớn lao, đủ sức mạnh thay đổi cả thế giới.

Bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh”.
Bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh”.

Những bức ảnh có sức mạnh khơi gợi suy nghĩ và truyền cảm xúc bằng cách khéo léo kể những câu chuyện về người trước và sau ống kính. Đôi khi, chúng miêu tả những sự kiện gây hứng khởi, nâng cao tinh thần, hoặc thậm chí là gây sốc và chứa đựng đầy bất ngờ.

Nhiếp ảnh là một phương tiện truyền thông mạnh mẽ. Nó có thể phơi bày sự thật và thể hiện cảm xúc mà từ ngữ không bao giờ có thể lột tả hết. Ảnh có thể thay đổi thế giới. Từ năm 1942, giải thưởng Pulitzer đã được trao cho những bức ảnh báo chí xuất sắc nhất được các tay máy chụp mỗi năm.

Các giải thưởng lớn thường được trao cho các nhiếp ảnh gia tin tức, với hình ảnh mang tính biểu tượng nhất, ở những điểm nóng trên toàn thế giới. Dưới đây là 5 bức ảnh từng đoạt giải thưởng Pulitzer đã gây sốc với toàn thế giới vào thời điểm nó được công bố. Những bức ảnh này đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh báo chí thế giới.

1. “Nụ hôn của sự sống” năm 1968

5 bức ảnh đoạt giải Pulitzer gây chấn động thế giới ảnh 1

Đó là một ngày tháng Bảy nóng nực năm 1967. Nhiếp ảnh gia Rocco Morabito có trụ sở làm việc tại New York vừa chụp một loạt ảnh về cuộc đình công của công nhân đường sắt. Khi đó, ông đang từ từ đi bộ trở lại ô tô của mình trên Phố 26 Tây. “Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng hét”, nhiếp ảnh gia sau đó nói.

“Tôi nhìn lên thì thấy một anh thợ sửa dây điện gục đầu xuống. Tôi không biết phải làm gì. Anh lao ra xe và gọi xe cấp cứu. Sau đó, anh quay lại và thấy một công nhân khác đang hô hấp nhân tạo cho đồng nghiệp của mình. Tôi chộp lấy máy ảnh của mình và chụp một vài tấm”, ông Morabito chia sẻ. Đây là câu chuyện đằng sau bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1968 – “Nụ hôn của sự sống”. Điều quan trọng nhất là: Công nhân bị điện giật đã sống sót.

2. “Lánh nạn” năm 1966

5 bức ảnh đoạt giải Pulitzer gây chấn động thế giới ảnh 2

Năm 1966, đề tài chiến tranh Việt Nam giành giải thưởng danh giá của Pulitzer. Đó là bức ảnh của phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI (United Press International). Bức ảnh ghi lại cảnh hai bà mẹ Việt Nam cùng 3 đứa con lội qua một dòng sông ở Lộc Thượng (Bình Định) để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy bay Mỹ.

Hiện, có 3 nhân vật trong bức ảnh vẫn còn sống là ông Nguyễn Văn Anh, em gái ông Anh là Nguyễn Thị Kim Liên và bà Nguyễn Thị Huệ. Hai người phụ nữ trong bức ảnh đã mất là bà Trần Thị Ba (mẹ ông Anh) và bà Lê Thị Đào (mẹ bà Huệ).

Năm 1970, nhiếp ảnh gia Kyoichi Sawada qua đời khi đang tác nghiệp tại Campuchia. Năm 1989, vợ của ông Kyoichi Sawada đến thăm làng Lộc Thượng và tặng cho gia đình ông Nguyễn Văn Anh một tập album về những bức ảnh mà Sawada chụp ở Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia từ năm 1954 - 1970. Trong tập album, có rất nhiều hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong những trận chiến của Mỹ vào các năm từ 1965 - 1970.

3. “Niềm tin và Sự tự tin” năm 1958

5 bức ảnh đoạt giải Pulitzer gây chấn động thế giới ảnh 3

Hai nhân vật trong ảnh là cảnh sát Maurice Cullinane và cậu bé hai tuổi Allen Weaver trong cuộc diễu hành ở Chinatown, Washington, D.C. Cảnh sát đã cảnh báo khi cậu bé cố băng qua đường trong một cuộc diễu hành. Khoảnh khắc đó đã được nhiếp ảnh gia William C. Beall ghi lại. Hội đồng giải thưởng Pulitzer gọi đó là “một bức tranh hấp dẫn gây ấn tượng sâu sắc cho độc giả”.

4. “Sự giúp đỡ từ Cha” năm 1963

5 bức ảnh đoạt giải Pulitzer gây chấn động thế giới ảnh 4

Năm 1962, Venezuela bỏ phiếu trục xuất Cuba khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Cuba kích động các sĩ quan thiên tả trong quân đội Venezuela đảo chính, chống lại Tổng thống Rómulo Betancourt. Quân đảo chính chiếm được Puerto Cabello và Solano Castle, nhưng sau đó bị phản công tái chiếm. Hơn 400 lính chết và 700 bị thương.

Trong ảnh, linh mục Luis Padillo đang làm nghi thức cuối cùng cho một người lính bị thương bởi bắn tỉa trong một cuộc nổi dậy ở Venezuela. Linh mục can đảm di chuyển trên đường phố dưới hỏa lực bắn tỉa, nhằm cử hành những nghi thức cuối cùng cho người hấp hối. Linh mục gặp một người lính bị thương. Người lính cố nâng mình lên bằng cách bám vào tấm áo của vị linh mục trong khi đạn vẫn bắn tung những mảnh bê tông xung quanh họ.

Nhiếp ảnh gia Hector Rondon Lovera đã phải nằm sát mặt đất để tránh bị bắn lúc đó. Khi hồi tưởng, ông cho biết không nhớ làm thế nào để chụp được hình ảnh này.

Các linh mục Công giáo như cha Luis Padillo di chuyển trên đường phố, thậm chí xuyên qua hỏa lực bắn tỉa, ban những nghi thức cuối cùng cho các chiến binh.

Điều dữ dội hơn về bức ảnh này là trong hình nền bảng hiệu của tiệm “carnicería” (cửa hàng bán thịt/lò mổ). Trong tiếng Tây Ban Nha, “carnicería” vừa có nghĩa là một “cửa hàng bán thịt”, nhưng cũng là “lò sát sinh, lò mổ”. Đây được coi là một mô tả chính xác những gì diễn ra lúc đó ở Venezuela.

5. “Sự khủng khiếp của chiến tranh” năm 1973

Ngày 8/6/1972, Huỳnh Công Út (Nick Út) - phóng viên ảnh người Việt Nam làm việc cho hãng tin Mỹ AP, đang ở Tây Ninh thì thấy một bé gái trần truồng vừa la hét vừa chạy về phía ông. Lúc đó, Nick Út tự hỏi sao bé gái lại không mặc quần áo.

Sau đó, ông nhận ra cô bé bị trúng bom napalm (bom được nhồi chất cháy napalm có nhiệt độ cháy 800 - 1.000 độ C, nhanh chóng giết chết hoặc gây tàn phế ghê gớm cho nạn nhân). Nick Út dội nước rồi đưa cô bé tới bệnh viện. Bệnh nhân 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị bỏng độ ba với 30% diện tích cơ thể, tưởng chừng không qua khỏi.

Bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh” (nhiều người Việt quen với cái tên “Em bé napalm”) của Nick Út nhanh chóng trở thành một biểu tượng cho sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam. Sau khi biết tin Tổng thống Mỹ Richard Nixon nghi rằng ảnh đã bị chỉnh sửa, Nick Út nói: “Đối với tôi và rõ ràng là đối với nhiều người khác nữa, tấm ảnh không thể nào thực hơn.

Tấm ảnh cũng xác thực như chính cuộc chiến Việt Nam vậy. Sự khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam được tôi ghi lại không cần phải chỉnh sửa”. Năm 1973, Nick Út được trao giải Pulitzer cho bức ảnh. Cùng năm đó, Mỹ chấm dứt can dự chiến tranh Việt Nam.

Theo BoredPanda

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.