Đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực 4.0 là một xu thế
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo sức ép lên mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp. Thay đổi hay là bị bật ra khỏi vòng xoáy của sự tiến hóa tất yếu và thụt lùi, cam phận kẻ yếu? Câu hỏi này khiến các Chính phủ đau đầu, các chủ doanh nghiệp mất ăn mất ngủ. Trong đó, ngành Dệt May Việt Nam lại là một trong ít ngành tham gia thị trường quốc tế sớm nhất. Hẳn nhiên sức ép 4.0 lên DMVN cũng rất mạnh mẽ.
Có một sự việc đáng chú ý mới xảy ra, đó là khi biết được trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang đào tạo một lớp gồm 50 kỹ sư tự động hóa, thì một vị lãnh đạo cao cấp của Tổng Công ty May Việt Tiến đã đăng ký trước để có quyền nhận toàn bộ số kỹ sư này vào làm việc tại Việt Tiến khi họ tốt nghiệp ra trường. Như vậy, đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực 4.0 đang là một xu thế.
4.0 với tự động hóa là cốt yếu, sẽ tạo ra bước thay đổi choáng váng đối với ngành dệt may, đặc biệt là các công ty may. Hiện nay, một robot có thể thay thế cho 10-20 công nhân may, trên thế giới, đơn cử xưởng may của Zara, Benetton chỉ có robot thay vì công nhân làm việc như trước kia. Những sản phẩm cơ bản như T-shirt, quần jeans đã có thể sản xuất tự động hóa 100%.
Khía cạnh tích cực
So với một số nước trong châu Á, Việt Nam còn đang chậm hơn họ về mức độ tự động hóa. Một nhà máy dệt quy mô 3 vạn cọc sợi ở Việt Nam cần tới 186 công nhân, trong khi đó nhà máy Trung Quốc chỉ cần 15 công nhân. Như vậy có thể thấy mức độ tự động hóa ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông đã mạnh mẽ và nhanh chóng như thế nào. Tại các nhà máy có mức tự động hóa cao, khi có bất cứ lỗi ở khâu nào trong sản xuất, các phần mềm cũng tự động cập nhật và sửa chữa ngay.
Một vấn đề lớn khác đe dọa tới Dệt May Việt Nam, đó là việc sản xuất sẽ quay trở lại chính quốc. Trước kia, sản xuất dệt may dịch chuyển sang Việt Nam và một số nước châu Á, Phi khác là do giá gia công rẻ.
Nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 với tự động hóa cao, đã làm giảm mức giá sản xuất xuống cực thấp. Đơn cử, một áo T-shirt sản xuất gia công ở Việt Nam hiện nay chi phí hết 7,5 USD, nhưng khi được sản xuất tại Mỹ bằng tự động hóa, chỉ phải chi phí 33 cent.
Vậy khi các nhà máy dệt may của Việt Nam muốn đầu tư tự động hóa hoàn toàn thì sẽ thế nào? Như trên đã đề cập, mức đầu tư ban đầu sẽ rất cao, ít nhất gấp 10 lần tổng mức đầu tư hiện nay. Chúng ta không có đủ vốn tài chính, nhân lực, và thị trường. Tự động hóa cho năng suất cao, cũng đòi hỏi đơn hàng lớn tương ứng.
Không thể để nhà máy hoạt động cầm chừng được, trong khi các đơn hàng mà các công ty dệt may Việt Nam nhận được hầu hết là nhỏ và vừa. Công ty Việt Nam chỉ có thể đầu tư tự động hóa ở mức độ dần dần, vừa phải, theo từng khâu, phù hợp năng lực. Như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đã sớm xác định ưu tiên 4.0 trong các dự án đầu tư mới, nhưng sẽ theo lộ trình phù hợp. Vả lại, chúng ta có thể dựa vào việc chọn lựa những sản phẩm chưa thể đưa vào sản xuất tự động hóa hoàn toàn, đó là những sản phẩm thời trang đặc thù, có những trang trí bắt buộc phải thực hiện bằng tay.
Bên cạnh sức ép về vốn tài chính, và năng lực nhân sự, thì 4.0 cũng mang lại một giải pháp tích cực cho ngành Dệt May Việt Nam, đó là giúp các đơn vị trong Ngành thoát được “căn bệnh” đói nhân lực kinh niên. Bao nhiêu năm nay, các công ty dệt may nước ta, đặc biệt là công ty may, luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, dù đã dùng mọi biện pháp chăm sóc người lao động để thu hút nhân lực.
Nay với trào lưu tự động hóa khiến nhân lực được giảm đáng kể trong các nhà máy, sẽ tháo gỡ dứt điểm bài toán khó về nhân lực bao lâu nay. Bên cạnh đó, các trường, cơ sở đào tạo cũng cần vào cuộc để chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho Ngành. Cần có những nghiên cứu và đầu tư về chương trình đào tạo mới hoàn toàn, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị dệt may trong quá trình chuyển đổi sản xuất lên 4.0.