40 năm đan thuyền thúng vươn ra biển lớn

GD&TĐ - Hơn nửa đời gắn bó với nghề đan thuyền thúng, cụ Phan Liêm (76 tuổi, trú tổ 22, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang là chủ cơ sở đan thuyền thúng mang tên chính mình với hai người con nối nghiệp là anh Phan Minh (47 tuổi) và Phan Ánh (41 tuổi).

Thi lắc thuyền thúng ở biển Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)
Thi lắc thuyền thúng ở biển Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)

Cụ Liêm cho biết: Thúng chai còn có tên là thúng rái, là loại “thuyền thúng” có đường kính từ 3-5m, được đan bằng tre có hình thù như “cái thúng” và quét dầu rái trong lòng thúng và bên ngoài.

Đây là phương tiện phổ thông mà ngư dân thường sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ hoặc sử dụng những cái thúng rái lớn để câu mực “xa bờ”. Ngoài ra, còn có loại thúng rái hình bầu dục, có lắp động cơ nổ để di chuyển. Giá bán tùy thuộc vào kích thước. Loại lớn có giá 4 triệu đồng, loại nhỏ giá 3 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí, chúng tôi lãi 2 triệu đồng/chiếc. Nếu làm hết công suất, mỗi tháng 3 cha con tôi hoàn thành khoảng 12-15 chiếc thuyền thúng.

“Loại thuyền thúng rái này được “chế tác” từ nhiều công đoạn. Trước hết, đặt mua tre già chắc như tre mỡ (giá 50.000 đồng/cây) từ các huyện Hoà Vang, Đại Lộc… Tre được chẻ nan phơi 4-5 ngày và mang vào nhà đan, rồi nức, lận vành bằng cước nilon trắng (giá khoảng 80.000 đồng/kg). Sau đó dùng phân bò tươi quét đều hai mặt trong và ngoài thúng và đem phơi từ 6 - 7 ngày cho khô rồi quét dầu rái (75.000 đồng/ thùng 20 lít) để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài quét 2 lớp).

Sau khi quét dầu rái, phơi thêm vài nắng nữa là “xuất xưởng” được. Thời gian để hoàn thành thuyền thúng rái nhỏ khoảng từ 3-7 ngày nhưng với thúng rái lớn khoảng 15 ngày. Hiện có đến 7 loại thúng, trong đó có loại thuyền thúng có gắn máy hình bầu dục thì thực hiện công phu hơn…” - Cụ Liêm chia sẻ.

Anh Phan Minh cho hay, cách đây mấy năm có một đoàn khách Nhật Bản tham quan biển Đà Nẵng tò mò ghé lại xem cha con ông Liêm đang “tác nghiệp”. Ít ngày sau, 2 vị khách người Nhật quay lại cùng với người hướng dẫn viên và đề nghị đan bán cho họ 10 chiếc thuyền thúng.

Khi hoàn thành sản phẩm, họ yêu cầu khắc thêm chữ “thuyen thung made by Phan Liem” (thuyền thúng được làm bởi ông Phan Liêm) lên vành thúng để người khác được biết. Thuyền thúng xuất ngoại có giá cao hơn 2 triệu đồng so với thuyền cùng loại bán cho ngư dân trong nước.

“Cách đây chừng 25 năm, khu vực này có hơn 30 cơ sở làm nghề đan thuyền thúng. Tuy nhiên, nhiều gia đình không bám trụ nổi với nghề khi những chiếc thuyền thúng làm bằng vật liệu composite xuất hiện với giá rẻ được nhiều ngư dân chọn mua. Người làm nghề đan thuyền thúng lần lượt bỏ nghề. Tôi cũng từng bỏ nghề đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng nhiều khách hàng quen thỉnh thoảng vẫn quay lại đặt hàng làm tôi nhớ nghề và quay lại với nó.

Những năm gần đây cơ sở sản xuất thuyền thúng của cha con tôi làm không hết việc vì ngư dân đang quay lại sử dụng thuyền tre truyền thống bởi thuyền làm bằng composite giá rẻ nhưng không an toàn. Khi bà con đánh bắt trên biển gặp gió thường hay bị lật chứ không vững chãi như thuyền tre. Hiện nay, tôi là người cao tuổi cuối cùng đan loại thuyền thúng này” - cụ Liêm tâm sự.

Thuyền thúng của cha con cụ Liêm đã từng nổi tiếng khắp vùng biển miền Trung, có mặt trên tàu cá của ngư dân từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chưa dừng lại ở đó, thuyền thúng của ông còn vượt đại dương, có mặt khắp các khu du lịch nổi tiếng ở Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha với thương hiệu: “Thuyen thung made by Phan Liem”. Mỗi năm, cơ sở của cụ xuất khoảng 50 chiếc thuyền thúng ra nước ngoài…

Anh Phan Minh đan thuyền thúng

Anh Phan Minh đan thuyền thúng

Ông Phan Liêm làm vành cho thuyền thúng

Ông Phan Liêm làm vành cho thuyền thúng

Thúng chai đã hoàn thành

Thúng chai đã hoàn thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ