4 thứ thực sự giá trị cha mẹ nên để lại cho con

Jack Ma từng nhận định, xuất phát điểm của một người là điểm số. Tuy nhiên, thứ quyết định họ có đi được xa, lại là việc có giáo dục hay không.

4 thứ thực sự giá trị cha mẹ nên để lại cho con

Dưới đây là 4 thứ cha mẹ nên để lại cho con, không phải nhà cửa hay tiền bạc:

1. Có giáo dục

Một người không có giáo dục, dù giỏi đến mấy, cũng là vô giá trị trong xã hội. Trong một nhóm các ứng viên thi tuyển vào một công ty của Jack Ma, có một cô gái có điểm thi cao nhất, tư chất thông minh, có năng lực, tuy nhiên vòng cuối cô bị loại.

Lý do rất đơn giản: Nhiều đồng nghiệp nói rằng cô cư xử không tử tế, bắt nạt người lau dọn, cô bắt người đó rửa cốc, lau bàn cho mình, còn mắng: "Cô chỉ là người lau dọn mạt hạng". Công ty đã không nhận cô, cũng như không người nào muốn làm việc với cô, vì cô "thiếu giáo dục".

Người vô giáo dục không được cộng đồng đón nhận, cũng không được bất cứ ai chào đón.

2. Khả năng hòa đồng

Jack Ma từng kể một trường hợp, là con trai một người họ hàng xa của ông. Người thanh niên học giỏi, đỗ đạt vào một đại học danh tiếng.

Tuy nhiên, một năm sau khi tốt nghiệp, anh vẫn không có được chỗ làm ổn định. Chán nản, thất vọng, anh không đi tìm việc nữa mà ở nhà. Anh suốt ngày nhốt mình trong phòng để chơi game và từ chối giao tiếp với mọi người.

Vì lo lắng cho con, người mẹ đến tìm gặp một trong những người cấp trên từng làm việc với anh, và được người sếp chia sẻ về những vấn đề của con trai bà: không bao giờ chào hỏi đồng nghiệp khi tình cờ gặp gỡ ở thang máy, phản ứng nóng nảy khi bất đồng với mọi người, bị chỉ trích thì giận dỗi, không đến cơ quan...

Jack Ma chỉ ra rằng, nhiều cha mẹ có quan điểm sai lầm: Con cứ điểm cao là tốt, con học được ở trường danh giá là thành công. Thực tế, điểm số là quan trọng, nhưng không phải là thứ duy nhất, bởi không phải trường học, xã hội mới là tiêu chuẩn cuối để thử nghiệm một người.

Mọi đứa trẻ rồi đều sẽ trưởng thành, rời xa cha mẹ để bước vào xã hội, đối diện với đủ loại người. Khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể cho con một cuộc sống thoải mái, đủ đầy, nhưng chắc chắn không thể đi cùng con cả đời.

Sẽ có lúc, con buộc phải một mình đối diện thế giới, tự mình giải quyết mọi vấn đề. Vì thế, nếu bạn yêu con, hãy dạy con khả năng hòa đồng với thế giới, để con có thể tự tin bước vào xã hội. Đó mới là sự chăm sóc, giúp đỡ tối thượng.

4 thứ thực sự giá trị bạn nên để lại cho con

Cha mẹ cần chỉ cho trẻ sự an toàn cá nhân phải là ưu tiên hàng đầu, so với học tập, giàu có, địa vị, tình yêu... Ảnh: Cmoney.

3. Khả năng tự bảo vệ

Bạn không thể dạy con thông minh, vì đó là tư chất. Bạn cũng không thể dạy con đạt được thành công, điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng có một thứ bạn có thể dạy bé đầy đủ, đó chính là học cách bảo vệ bản thân.

Xã hội không phải tốt đẹp trọn vẹn, luôn có những mảng tối, những bộ mặt xấu xa tồn tại. Và vì mỗi người bố, mẹ không thể ở bên con cả đời, việc dạy con tự bảo vệ mình là vô cùng quan trọng, bắt đầu từ giai đoạn con còn nhỏ.

Hãy chỉ cho trẻ sự an toàn cá nhân là ưu tiên hàng đầu: So với học tập, giàu có, địa vị, tình yêu... , sự an toàn đứng đầu danh sách.

Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ chọc tức người khác: Mỗi người đều có những điểm yếu, điểm nhạy cảm riêng không muốn ai động vào.

Tuy nhiên, đôi khi chỉ một câu nói cũng có thể "kích nổ" điểm này, khiến đối phương trở nên điên dại, thiếu kiểm soát, và không ai khác, người chọc tức sẽ lãnh chịu hậu quả. Vì thế, luôn luôn thận trọng trong giao tiếp là cách để tránh những rắc rối không mong muốn.

Cảnh giác với người lạ: Không bao giờ thân mật, dễ dãi với người lạ, ví dụ như ăn đồ ăn, thức uống mà họ cho, đưa đồ của mình cho họ giữ... Cần giữ khoảng cách nhất định với mọi người. Nguyên tắc bạn đưa ra cho con: Chân thành, thân thiện, nhưng luôn giữ khoảng cách.

- Giáo dục giới tính cho con từ nhỏ: Khi con còn đang học mẫu giáo, bạn nên chia sẻ cho con hiểu về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và nhắc con không để bất cứ ai chạm vào nó, ngoại trừ cha mẹ. Cần dạy con cách can đảm nói "không" để từ chối mọi đề nghị nhạy cảm về giới tính.

4. Khả năng đọc và nghiên cứu

Xã hội hiện đại là một xã hội mà mỗi người không ngừng học hỏi. Tri thức phát triển với tốc độ tăng 10% mỗi năm, và vì thế, mỗi người cần không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức. Nếu bạn không trưởng thành về tư duy song song với thể chất, thật khó để có thể tạo nên sự khác biệt.

Tỷ phú Warren Buffett là một điển hình học hỏi không ngừng. Ông dậy sớm mỗi sáng và dành rất nhiều thời gian đọc các loại tin tức, báo cáo tài chính và sách.

Phòng làm việc của ông không có máy tính, điện thoại thông minh, chỉ có những cuốn sách trên giá, những tờ báo trên bàn. Warren Buffett giữ thói quen đọc từ khi còn là một thanh niên, và cho đến khi tóc bạc đầu, ông vẫn đọc sách không ngừng.

Việc dạy con khả năng đọc và nghiên cứu không phải là để đối phó với các kỳ thi, thay vì đó, trẻ có thêm nhẫn nại, kiên trì, và tư duy học hỏi suốt đời cũng như tư duy không bỏ cuộc, từ đó mở ra những khả năng, triển vọng mới cho tương lai.

Việc đọc sách là cách nuôi dưỡng tri thức, tâm hồn trẻ với chi phí thấp, sách cũng là tấm gương phản chiếu để trẻ nhìn vào và học cách cư xử thích hợp.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ