Bỉ sẽ yêu cầu 21 công dân Nga làm việc tại đại sứ quán ở Brussels và lãnh sự quán ở Antwerp về nước. Theo một phát ngôn viên, các quan chức Bỉ cáo buộc rằng, mặc dù tất cả đều được công nhận là nhà ngoại giao, nhưng trên thực tế, họ đã tham gia vào các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng.
Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng thông báo sẽ trục xuất 17 nhân viên tình báo Nga được cho là có chứng nhận ngoại giao – hoạt động dựa trên thông tin từ các cơ quan an ninh của nước này. Bộ này cho biết Hà Lan đã chuẩn bị cho bất kỳ biện pháp trả đũa nào mà Moscow có thể thực hiện.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ireland đã trục xuất 4 quan chức cao cấp từng làm việc tại Đại sứ quán Nga. Bộ trên cho biết hành động của các quan chức này “không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi ngoại giao”. Bên cạnh đó, quan điểm của chính phủ Ireland là vẫn duy trì các kênh ngoại giao giữa Dublin và Moscow.
Tiếp theo, Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Séc cũng làm điều tương tự khi thông báo việc trục xuất một nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán Nga ở Praha. Bộ cho biết nhân viên này đã được thông báo có 72 giờ để rời đi và Séc cùng các đồng minh Liên minh châu Âu đang “giảm bớt sự hiện diện của tình báo Nga ở EU”.
Trước đó, ngày 18/3, Bulgaria, Latvia, Lithuana và Estonia cũng trục xuất tổng cộng 20 nhà ngoại giao Nga vì các lý do liên quan tới cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.