1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục
(GD&TĐ) - Rà soát việc thực hiện phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý giáo dục giữa các Bộ, ban ngành và địa phương; Đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục của địa phương, của các bộ, ngành có cơ sở giáo dục, đào tạo; Thực hiện “3 công khai” của các cơ sở giáo dục; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục…
Đổi mới công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của xã hội đối với ngành và tạo thuận lợi để nhân dân tham gia tư vấn, giám sát, hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề của ngành được nhấn mạnh trong năm học 2013-2014.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968-15/10/2013), đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua đã tổng kết thành các hoạt động thường xuyên của Ngành.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập…
Tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt với các trường ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi…
Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, công tác giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ của học sinh, sinh viên…
Tiếp tục triển khai tự đánh giá của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp…
Triển khai đồng bộ theo tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020…
3. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, tập huấn hoạt động xây dựng, thực hiện quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục của các địa phương.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016”.
Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với nhà giáo…
4. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia…
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và các chương trình, dự án về GD-ĐT.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể trung ương và địa phương, toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PV