Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), tối 20/7, ba bệnh nhân bị ngộ độc đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Trước đó, khoảng 8 giờ 30 phút ngày 20/7, Bệnh viện đa khoa huyện Trạm Tấu tiếp nhận bốn bệnh nhân là bà Lò Thị Biều (65 tuổi) cùng con dâu là Mè Thị Dân và hai cháu là Mè Thị Quyền (13 tuổi), Mè Thị Thảo (11 tuổi) ở thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, đều có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, huyết áp không đo được, nhịp thở chậm, da niêm mạc tím tái.
Ngay sau khi tiếp nhận, cán bộ y, bác sỹ bệnh viện đã khẩn trương tiến hành các biện pháp như hút đờm, đặt nội khí quản, ép tim, dùng các thuốc vận mạch… để cấp cứu các nạn nhân. Sau hơn hai tiếng được cấp cứu tích cực, nhưng do bị ngộ độc nặng và đưa đến bệnh viện chậm nên bệnh nhân Lò Thị Biều đã tử vong.
Theo người nhà bệnh nhân, sáng cùng ngày, gia đình bà Lò Thị Biều đã bắt hai con cóc nướng để cả nhà cùng ăn sáng. Bà Biều ăn phần nội tạng cóc nên bị ngộ độc nặng hơn và đã xảy ra trường hợp đáng tiếc trên.
Bác sỹ Hờ A Làng - Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu, cho biết cuối tháng 6/2015, tại thôn Mông Đơ (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu), chị Hảng Thị Mê cũng đã bắt cóc để nướng cho con ăn. Hậu quả là con gái chị, cháu Mùa Thị Chi, 30 tháng tuổi, đã bị ngộ độc và tử vong.
Bác sỹ Hờ A Làng khuyến cáo đồng bào các dân tộc trong huyện, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, cần nâng cao nhận thức trong việc ăn, chế biến thịt cóc để không ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân và người trong gia đình.