Gần đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta sẽ sớm thấy sự thoái trào của mạng xã hội lớn nhất thế giới - Facebook.
Một nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Princeton tin rằng quá trình phát triển, hưng thịnh và “sụp đổ” của Facebook có nhiều nét tương đồng như một loại bệnh truyền nhiễm. Nó sẽ mạnh mẽ nhất ngay trước khi bị tiêu diệt.
Quá trình đó tuân theo trình tự trong các giai đoạn bệnh lý của các chứng bệnh truyền nhiễm: triệu trứng, phát bệnh và phục hồi.
MySpace cũng đã từng đi theo đúng trình tự này. Năm 2007, MySpace được coi là mạng xã hội đình đám nhất, nhưng đến nay MySpace chỉ còn lèo tèo vài người sử dụng.
Vậy giờ đây, Facebook đã cán đến “đỉnh cao”? Các nhà nghiên cứu tin rằng Facebook đã và đang ở trên “đỉnh cao danh vọng” của mình. Theo dự đoán, đến năm 2017, Facebook sẽ mất khoảng 80% lượng người dùng thân thiết.
Dưới đây là những lý do Facebook sẽ dần mất đi ngôi thống trị của mình.
1. Facebook không khiến người dùng hạnh phúc
Càng "Facebook" nhiều, người dùng càng dễ bất mãn trong cuộc sống |
Không ai tham gia mạng xã hội để chuốc lấy nỗi buồn bực hay cô đơn, nhưng đó lại chính là những cảm xúc mà Facebook mang lại. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan hồi năm 2013, đối với những người sử dụng Facebook thường xuyên, càng ngày họ càng cảm thấy “khó ở” và bất mãn hơn, kể cả trên mạng và ngoài đời thực.
Một nghiên cứu gần đây hơn của Đại học California, Đại học Yale và Facebook được tiến hành trên hơn 100 triệu người dùng cho thấy rằng cả cảm xúc tiêu cực và tiêu cực đều dễ lây lan trên mạng xã hội, cho dù các cảm xúc tiêu cực có tốc độ lan truyền nhanh hơn chút xíu.
2. Sự riêng tư bị xâm hại
Không có gì "thật sự riêng tư" trên mạng xã hội |
Đối với nhiều người dùng Facebook, một trong những điều đáng lo ngại nhất là bị chia sẻ thông tin cá nhân với một bên thứ 3 mà chính họ cũng không biết.
Điều này được thiết lập ngay trong “thỏa thuận sử dụng” ban đầu khi khởi tạo tài khoản trên Facebook: người dùng đồng ý rằng tất cả các thông tin, kể cả là hình ảnh tải lên trang đều có thể được dùng cho mục đích quảng cáo của Facebook.
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy những lo ngại bị xâm phạm riêng tư trên mạng xã hội của người dùng đang ngày càng tăng lên. Nếu điều đó tiếp tục, Facebook sẽ phải phát triển thêm nhiều phương pháp quản lý thông tin cá nhân tối ưu hơn nữa mới mong giữ được người dùng.
Facebook có thật sự an toàn? |
3. Tính bảo mật thông tin bị đe dọa
Là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, có thể bạn sẽ cho rằng Facebook sẽ có trách nhiệm nghiêm túc với các dữ liệu của người dùng.
Tuy nhiên, thế giới mạng xã hội đã nhiều phen phải “trơ mắt ếch” trước những vụ tấn công của các tin tặc: nhiều thông tin, mật khẩu và tin nhắn cá nhân bị đánh cắp và đăng công khai trên internet.
Chính Facebook cũng đã từng phải lên tiếng xin lỗi vì các vấn đề có liên quan đến bảo mật hồi cách đây 1 năm.
"Bố mẹ đang giám sát chúng ta" |
4. Nhiều người đã bắt đầu rời bỏ Facebook
Rất nhiều các ông bố bà mẹ đã bắt đầu “thuần thục”trong các thao tác sử dụng Facebook và dùng nó như một công cụ để “giám sát ngầm”con cái của mình. Điều này đã và đang tạo ra một cuộc “di cư âm thầm”trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các thành viên trẻ tuổi.
Năm ngoái, Facebook đã thông báo rằng họ đang phải đối mặt với sự suy giảm người dùng thấy rõ mỗi ngày, đặc biệt là ở nhóm người dùng trẻ tuổi.
Việc suy giảm trên cũng có thể là do Facebook đang không đủ nhanh nhạy trong cuộc chạy đua với các đối thủ cạnh tranh. Sự “thất bại” rõ ràng nhất của Facebook là ở mặt trận phát triển công cụ tìm kiếm, thứ đã từng được thử nghiệm ở Anh.
Công cụ tìm kiếm của Facebook “tệ” đến nỗi Sergey Brin, một đồng sáng lập viên của Google, từng tự tin nói “nó chẳng ảnh hưởng gì đến Google” cả.
Thêm vào đó, thất bại cay đắng của phần mềm Facebook Messenger cho di động cũng là một trong những “nỗi buồn” của Mark Zuckerberg.