1. Lenovo ThinkPad W540
Đây là một chiếc máy tính mạnh mẽ và gần như không có nhược điểm gì lớn ngoài trừ việc nó có giá khá “chát” – 2.573 USD (tương đương với hơn 50 triệu VNĐ). Chiếc W540 là một studio ảo được xây dựng trên nền máy trạm ThinkPad của hãng Lenovo.
Với độ dày 2,79 cm, nặng 2,47 kg, màn hình 15,6 inch, độ phân giải 2880 x 1620 (3K) IPS, vi xử lý chất lượng cao Intel Core I7-4800MQ, tốc độ xung nhịp lên tới 27 GHz, card đồ họa Nvidia Quadro K2100M, chiếc máy tính này có thể xử lý bất cứ thứ gì từ những bản Word đơn giản đến hàng ngàn trang Excel hoặc thậm chí cả những mẫu đồ họa 3D nặng.
Thiết kế đơn giản và không có gì ấn tượng – ThinkPad W540 chỉ là một bản sao nguyên trạng của chiếc notebook ThinkPad, một khối chữ nhật màu xám, trơn, chỉ hơi cong một chút ở các cạnh viền và không hề có bất cứ một điểm nhấn bóng bảy nào cả.
Dù không được điểm cao về thiết kế, chiếc W549 bù lại lại có một lớp nhựa cường lực dạng lưới carbon, có thể chịu được các va đập và các cú rơi có thể phá hỏng những chiếc notebook. (Tuy nhiên nếu bạn có ý định thử thì hãy chuẩn bị tinh tần cho những vết méo hoặc xước xuất hiện trên chiếc laptop có giá nửa trăm triệu của bạn)
Vì mức giá cao như vậy nên nếu không có ý định thực hiện các tác vụ về đồ họa thì bạn có thể lựa chọn những dòng máy có cấu hình thấp hơn và có giá nhẹ nhàng hơn. Còn nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc máy trạm xử lý đồ họa và các tác vụ năng một cách trơn tru thì đây thực sự là một lựa chọn “đáng đồng tiền”.
Tuy nhiên, do màn hình có độ phân giải cao nên chiếc ThinkPad W540 khá hao pin và theo cuộc kiểm tra pin PCMark 8, chiếc laptop này chỉ trụ được 3 giờ 7 phút sử dụng liên tục và 5 giờ 15 phút với chế độ tiết kiệm điện và hạn chế sử dụng.
2. Dell Precision M6800
Model Precision M6800 của hãng Dell là một sản phẩm vô cùng ấn tượng. Đây là chiếc notebook lớn nhất và mạnh mẽ nhất với giá 3.490 USD (tương đương với khoảng 70 triệu VNĐ) – mức giá gấp đôi các sản phẩm cạnh tranh. Với suy nghĩ “tiền nào của nấy”, Dell đã trang bị cho những laptop này tất cả những tính năng chuyên nghiệp nhất.
Bộ khung được xây dựng trên chất liệu hợp kim nhôm và magie chất lượng cao với khả năng chống bám bụi và chịu nhiệt cao. Một điểm “đáng tiền” của laptop này là sự linh hoạt. Dell Precision M6800 được trang bị các cổng kết nối phong phú.
Bên cạnh phải có hai cổng USB 3.0, một đầu ra DisplayPort và một nút chuyển đổi tình trạng Wi-Fi vật lý, một khay đĩa có thể dễ dàng tháo ra để thay đổi ổ đĩa nhanh chóng.
Phía bên cạnh trái có nhiều ngõ kết nối hơn với hai cổng USB 3.0, một cặp jack cắm âm thanh, kết nối Kensington Lock, ổ đĩa DVD slimline, SDXC, ExpressCard và khe cắm thẻ thông minh.
Cạnh phía sau có D-SUB, HDMI và một cổng eSATA cùng một ổ cắm Ethernet. Bên trong M6800 là thiết bị Wifi 802.11ac mới nhất, một điểm rất được mong chờ trong khả năng kết nối.
Bàn phím laptop được thiết kế theo phong cách cổ điển, đem lại cảm giác thoải mái và chắc chắn khi sử dụng nhờ vào phần đế vững chắc và trackpad chất lượng cao.
Tuy nhiên, do có trọng lượng lên tới 3,8kg và dày 40mmm, chiếc M6800 trông cồng kềnh hơn hầu hết các đối thủ. Phần cứng của máy cũng là một điểm xứng đáng để người dùng bỏ ra 70 triệu.
Hầu hết các máy tính xách tay cao cấp đều sử dụng bộ xử lý Core i7-4700MQ CPU, đây là bộ vi xử lý khiêm tốn nhất của dòng vi xử lý lõi tứ của Intel dành cho các thiết bị di động, nhưng Dell không đi theo lối mòn đó mà nó đã sử dụng bộ xử lý i7-4800MQ có tốc độ 2.7GHz đồng thời có thể Turbo lên 3.7GHz và được kết hợp với bộ nhớ RAM 16 GB.
Dù có phần cứng mạnh như vậy nhưng dòng máy này ít gây ồn. Ví dụ,khi xử lý các tác vụ đơn giản, chiếc M6800 gần như không gây ra tiếng ồn và tiếng ồn từ quạt làm mát cũng chỉ rất nhỏ trong các thử nghiệm khắt khe về hiệu năng của máy. Nhiệt độ trong thân máy thấp một cách ấn tượng.
Chúng ta không bao giờ kỳ vọng một laptop dạng máy trạm có pin dùng được lâu nhưng với chiếc M6800, bạn có thể sử dụng liên tục trong vòng 3 tiếng và 4 tiếng ở chế độ tiết kiệm điện với độ sáng màn hình giảm còn 25%.
3. HP ZBook 17
Hiệu năng cao của chiếc ZBook 17 là một điểm cộng lớn cho sản phẩm này. Nó có thể thực hiện hầu hết tác vụ của một chiếc máy để bàn trên thị trường. ZBook 17 được thiết kế với một bộ vi xử lý Intel Core i7, bộ nhớ DDR3 32 GB và card đồ họa Nvidia Quadro.
Laptop này có khả năng dựng video, thực hiện các thao tác mã hóa, render ảnh nhanh như các máy trạm để bàn và xử lý bất cứ yêu cầu nào bạn đặt ra.
Đáng tiếc là máy có kích cỡ như một gã khổng lồ chứ không mỏng manh hay nhẹ như những chiếc laptop bình thường. ZBook 17 có trọng lượng khoảng 3,4 kg, độ dày 1,3 inch.
Chiếc máy tính này được trang bị cộng cổng USB 3.0 để cắm các thiết bị sạc, một cổng USB 2.0, một cổng video DisplayPort và cổng kết nối analogue, Ethernet cùng adapter không dây 2x2 Intel 6235 802.11ac.
Máy còn được trang bị ổ ghi đĩa Blu-ray, ExpressCard quang và một khe cắm thẻ nhớ SD. Bạn có thể kết hợp 2 đĩa cứng 2,5 inch với dung lượng 1TB cùng một SSD 128GB mSATA hoặc bất cứ cách phối hợp nào bạn muốn.
Tuy nhiên, ngoài những điểm tuyệt vời vừa được nêu trên, chiếc máy tính này được xếp vào hàng siêu mạnh, mà cũng siêu nặng và siêu đắt.
Kích cỡ của chiếc laptop khiến người ta liên tưởng đến việc mình đang vác cả một chiếc PC hơn là đang mang theo một chiếc máy xách tay. Giá của nó vào khoảng 4.630 USD tức là tương đương với khoảng 97 triệu, khá cao so với các dòng máy trạm khác bạn có thể mua được trên thị trường.
4. Dell Precision M3800
Dell đã phá vỡ nguyên tắc “nếu bạn muốn có một chiếc laptop cấu hình cao bạn phải chấp nhận nó nặng như một chiếc Lenovo ThinkPad”. Dell Precision M3800 (có giá 2.236 USD, tương đương với khoảng 47 triệu VNĐ) là một laptop rất mạnh và dễ vận chuyển.
Máy được trang bị vi xử lý Haswell Intel Core i7, card đồ họa Nvidia Quadro, bộ nhớ lên tới 16 GB và có thể sử dụng SSD và đĩa cứng. Đặc biệt là tất cả những tính năng đó được kết hợp trong một khung máy chỉ mỏng 18mm và nặng 1,8kg.
Với một màn hình 15,6 inch, 3200 x 1800 QHD+10 điểm chạm, các văn bản và đồ họa được render nét đến đáng kinh ngạc khiến cho các nội dung nặng như trang web trông rất đẹp mắt. Không chỉ đồ họa đẹp mà thiết kế máy cũng không hề tầm thường.
Dáng máy mỏng, nhẹ cùng lớp phủ màu xám bạc, hơi cong ở các cạnh viền, cộng thêm một lớp cao su quanh bàn phím giúp việc đánh máy trở nên thuận tiện, tất cả làm nên một chiếc laptop đẳng cấp.
Bàn phím được thiết kế theo chuẩn “chiclet-style” với kích cỡ phím vừa vặn để việc đánh máy chính xác hơn. Trackpad có kích thước khá lớn, có thể nhận diện cả thao tác click và thao tác chạm. Chất lượng loa thì không thể chê vào đâu được, đi kèm với một webcam 720p và hai microphone.
Tất cả các mẫu M3800 đều có vi xử lý bốn nhân Core i7 4702HQ 2.2GHz, có thể Turbo lên 3.2 GHz và card đồ họa Quadro K1100M với bộ nhớ 2GB tich hợp Intel HD 4600. Tất cả các mẫu đều được trang bị ăng-ten đôi tích hợp adaptor không dây Intel 802.11ac.
Nhìn chung, chiếc Dell Precision M3800 là một laptop có vi xử lý đáng kinh ngạc, một GPU mạnh mẽ với thiết kế mỏng, nhẹ, khiến chiếc máy tính xách tay này trở thành một laptop nổi bật nhất trên thị trường hiện này.
Mặc dù một số đối thủ khác có card đồ họa nhanh hơn và cấu hình mạnh hơn nhưng khó có chiếc laptop tương đương nào có độ mỏng và trọng lượng nhẹ như Precision M3800.