Theo chia sẻ PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), các hoạt động hiệu trưởng cần làm để thực hiện vai trò của mình đó là:
Thứ nhất, lãnh đạo việc hình thành tư duy hệ thống cho mọi thành viên
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - cho rằng, lãnh đạo nhà trường cam kết và thể hiện cam kết trên thực tế đối với các hoạt động chất lượng của nhà trường. Mỗi thành viên trong nhà trường từ giáo viên, nhân viên cho đến học sinh phải hiểu rõ nhà trường của mình hoạt động và làm việc như thế nào.
Từ đó, lãnh đạo nhà trường, giáo viên, nhân viên phải hình dung toàn cảnh về tổ chức nhà trường, hiểu được công việc của bản thân cũng như tổ/nhóm chuyên môn của mình. Điều đó cho phép mỗi cá nhân hoạt động theo những phương hướng hỗ trợ cho sự phát triển của toàn trường.
Chẳng hạn như hình thành tư duy hệ thống trong mọi thành viên của nhà trường. Tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên về các nguyên tắc, định hướng giá trị, niềm tin của nhà trường. Xây dựng hình ảnh nhà trường (website, quảng cáo…
Thứ hai, chia sẻ tầm nhìn về phát triển năng lực học sinh
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nhà trường phải xây dựng, hình thành được tầm nhìn, sự cam kết chung cũng như một kế hoạch tổng thể mà mọi thành viên đều cùng tham gia xây dựng và tán thành.
Tầm nhìn phải thể hiện được hình ảnh của nhà trường trong tương lai với việc học sinh vui vẻ, hứng thú, tích cực và chủ động tham gia các hoạt động, thể hiện các giá trị đạo đức, kiến thức kĩ năng đạt được, cơ hội phát triển tiềm năng của mỗi học sinh.
Đổi mới cách thức làm việc các tổ, nhóm trong trường bằng cách tăng cường mối liên hệ ngang thay vì liên hệ dọc. Tăng cường sự tham gia vào và trao quyền cho các thành viên của nhà trường;
Chẳng hạn, xây dựng tầm nhìn của nhà trường: Mỗi học sinh đều học tập chăm chỉ, vui chơi thoải mái và đạt thành tích xuất sắc; Trường học của sự sáng tạo...
Hiệu trưởng cần khích lệ tinh thần sáng tạo và học hỏi vươn lên của từng cán bộ, viên chức và học sinh. Ảnh minh họa/internet |
Thứ ba, tạo ra những thách thức tư duy, tạo ra đổi mới
Liên quan đến nội dung này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - chia sẻ: Trong nhà trường, lãnh đạo phải luôn luôn đặt vấn đề về đổi mới cách thức tư duy cũng như phát hiện ra những định kiến cũng ngăn cản các thành viên chấp nhận những hành vi mới, cách làm mới. Mọi thành viên trong nhà trường đều được khuyến khích đưa ra các ý tưởng sáng tạo, đổi mới.
Cần thực hiện công khai các mục tiêu chất lượng và thông tin; Xây dựng hoặc thường xuyên xem xét, đánh giá và điều chỉnh mục tiêu chất lượng, các quy trình, thủ tục… cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là nguồn lực của nhà trường.
"Chẳng hạn như quan niệm về kỷ luật học sinh. Cần thay đổi bằng việc kỷ luật tích cực thay vì trừng phạt học sinh. Hoặc tổ chức các cuộc thi: Ý tưởng mới về kỷ luật tích cực; Người có khả năng ứng xử thông minh nhất..." - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền dẫn giải.
Thứ tư, lãnh đạo tập thể nhà trường học tập
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nhấn mạnh: Hiệu trưởng cần lãnh đạo tập thể nhà trường học tập. Cần biết động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và học hỏi vươn lên của từng cán bộ, viên chức và học sinh;
Cùng với đó, mỗi thành viên từ giáo viên, nhân viên cho đến học sinh cần thường xuyên học tập để phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ của bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, bè bạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ học tập.