4 hậu quả khi cơ thể bị quá nóng

Khi hoạt động dưới nắng nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên. Người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tăng thân nhiệt. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt đến thế nào mà hội chứng bệnh lý xuất hiện khác nhau.

4 hậu quả khi cơ thể bị quá nóng

Khi sinh sống trong môi trường nóng, cơ thể sẽ chịu đựng nhiều rối loạn. Nhưng các rối loạn quan trọng nhất, dễ thấy nhất, trực tiếp nhất, đặc trưng nhất đó là rối loạn hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch , hệ hô hấp và rối loạn cân bằng nước và điện giải. 

Chúng ta sẽ không đi tìm hiểu sâu từng loại rối loạn ấy như thế nào, thay vào đó, chúng ta sẽ tìm hiểu bệnh cảnh hay là các dấu hiệu có thể nhận biết được trong các hội chứng bệnh lý do nắng nóng gây ra.

Khi hoạt động dưới nắng nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên. Người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tăng thân nhiệt. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt đến thế nào mà hội chứng bệnh lý xuất hiện khác nhau. Có 4 trạng thái có thể gặp phải khi làm việc dưới nắng nóng : chuột rút , mệt quá sức, ngất và đột quỵ (say nóng) theo trình tự từ nhẹ đến nặng.

4 hậu quả khi cơ thể bị quá nóng

Chuột rút là trạng thái rối loạn nhẹ nhất do nắng nóng gây ra. Chuột rút đó là hiện tượng co cứng cơ cục bộ tại một số bộ phận nào đó của cơ thể. Nó thường xảy ra ở cơ vân, tức là cơ khu trú ở tay, chân, ít khi xảy ra ở cơ thân mình. Biểu hiện của nó là cơ co cứng cục bộ toàn bộ một khối cơ hay chỉ vài cơ trong đó. 

Triệu chứng của trạng thái này là người cảm thấy nóng bức, ra mồ hôi lấm tấm, nhiệt độ cơ thể chưa tăng cao, dưới 38 0 C, tóc có thể ướt, áo có thể lấm tấm mồ hôi nhưng triệu chứng đặc thù nhất là bị co cứng ở một cơ nào đó. 

Có thể ở tay hoặc có thể ở chân. Thường bị ở một cẳng chân nhiều hơn. Nạn nhân thấy căng cứng vùng cơ đó và rất đau, ngoài ra toàn thân không có biểu hiện gì đặc hiệu khác. Nguyên nhân chính của trạng thái này là do hoạt động thể lực quá mức trong điều kiện nắng nóng , mồ hôi tiết ra nhiều hơn bình thường. 

Trong mồ hôi có muối và điều này làm rối loạn cân bằng nước và điện giải nội tại của cơ khu vực đó. Thiếu Na+, thiếu K+ làm chuột rút xảy ra. Khắc phục tình trạng này không khó. Chỉ cần ngồi nghỉ ngơi trong bóng mát, bật quạt điện thông gió, uống nước dạng oresol để bù nước và điện giải, từ từ nắn bóp mạnh vùng cơ co cứng, chuột rút sẽ được khắc phục trong vài phút.

Không nên phản ứng quá mức với tình trạng này như la hét, kêu gào chỉ làm thần kinh càng kích thích hơn và chuột rút càng đau.

Mệt quá sức: mệt quá sức là dạng thức phản ứng dạng trung bình với nắng nóng. Biểu hiện chủ yếu là người bệnh cảm thấy nóng bức, mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều hơn, tóc bết lại, áo ướt sũng, sức khỏe thể lực giảm sút nghiêm trọng làm cho nạn nhân không thể làm được bất cứ việc gì, gần như chỉ nằm một chỗ và thở. 

Điều đáng nói ở đây là sự mệt mỏi nặng hơn mức độ mệt do hoạt động thể lực đơn thuần. Nhiệt độ cơ thể thường dưới 39 0 C. Nhiệt độ cơ thể vẫn là tiêu chuẩn vàng để phân định các rối loạn bệnh lý.

Ngất: trạng thái phản ứng với nắng nóng ở cấp độ trung bình. Rối loạn bệnh lý này có triệu chứng: nạn nhân tự nhiên bất tỉnh đột ngột, nhịp thở vẫn thở đều, nhịp tim vẫn đều, chân tay có thể duỗi ra nhưng không có co giật, chỉ duy nhất là mất ý thức, da mặt ửng đỏ, mồ hôi vã ra thành hột, tóc ướt sũng, người ướt sũng, mắt nhắm nghiền, không nhận biết rõ xung quanh và không thể điều khiển các hoạt động của mình. Nhiệt độ cơ thể dưới 40 0 C.

Nguyên nhân của tình trạng này đó là do nóng quá, cơ thể thải nhiệt ra ngoài không kịp, nhiệt độ trung tâm quá cao, đặc biệt là nhiệt độ tại não bộ, làm não bộ rơi vào trạng thái ức chế đột ngột. 

Chức năng vỏ não bị bất hoạt làm khả năng nhận thức bị rối loạn nhưng các chức năng dưới vỏ như hô hấp, tuần hoàn vẫn còn hoạt động. Để giải quyết tình trạng này, hãy đưa nạn nhân vào chỗ râm mát, cởi nới rộng quần áo, cởi bỏ những quần áo dài bên ngoài, bật quạt điện thông gió, lau nước mát nhằm thải nhiệt cấp tốc. 

Song song cùng với đó là day ấn các huyệt thần kinh tại vùng mặt (nhất là huyệt nhân trung) nhằm tạo ra một kích thích đau mạnh truyền về thần kinh trung ương có tác dụng thức tỉnh thần kinh trung ương. 

Nếu không thạo về huyệt có thể bóp mạnh vào tay chân, bàn tay, bàn thân, véo da, cấu da, tát mạnh vào vùng cánh tay, vùng đùi, véo mạnh vào vùng má cũng tạo ra tác dụng tương tự. Trạng thái ngất do nắng nóng khác với trạng thái đột quỵ ở ngay dưới đây.

Đột quỵ (say nóng): trạng thái mất hoàn toàn chức năng thần kinh trung ương kéo dài ít nhất trên 24h do nắng nóng gây ra. Thuật ngữ đột quỵ ở đây hoàn toàn giống với thuật ngữ đột quỵ não trong các rối loạn bệnh lý của mạch máu não và thần kinh trung ương. Chỉ khác về nguyên nhân. 

Đột quỵ não trong thần kinh là do bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp…dẫn tới nhồi máu não, chảy máu não. Nhưng trong nắng nóng, đột quỵ não chính là do thân nhiệt quá cao, nhất là nhiệt độ ở não bộ.

Triệu chứng của rối loạn bệnh lý này bao gồm: hoạt động dưới trời nắng nóng như đổ lửa, da mặt đỏ dừ, mồ hôi túa ra, tóc tai ướt sũng, người ướt sũng, áo quần dính chặt vào người do ướt quá độ, nhịp thở nhanh nông, nhịp tim nhanh, huyết áp ngược lại, thấp hoặc rất khó đo. 

Nhưng đó chỉ là các triệu chứng chung bên ngoài. Triệu chứng có giá trị nhất đó là đột ngột ngã lăn ra, sức cơ rất yếu tựa như bị liệt vậy, yếu đồng đều cả 2 bên và tứ chi. Một số cá biệt có co giật từng cơn xảy ra dạng động kinh. Đo nhiệt độ cơ thể tại nách hoặc dưới lưỡi thấy trên 40 0 C.

Đột quỵ do nóng vẫn được gọi bằng một thuật ngữ đơn giản là say nóng. Say tức là rối loạn chức năng thần kinh trung ương làm nạn nhân không phản ứng hoặc không tự chủ với môi trường xung quanh. Nóng là ám chỉ nắng nóng. Say nóng chính là thuật ngữ ám chỉ rối loạn đột quỵ do nóng.

Đột quỵ do nóng là rối loạn bệnh lý nặng nhất, nguy hiểm nhất và khó chữa nhất trong các rối loạn bệnh lý do nắng nóng gây ra. Bất kỳ ai cũng không nên đưa ra lời cam kết hoặc lời khẳng định sẽ cứu sống được 100% cho nạn nhân bởi vấn đề phức tạp của tình trạng này. 

Tỷ lệ chữa khỏi thành công rất thấp, dưới 20%. Ngay cả những nạn nhân chữa khỏi thì cũng để lại nhiều di chứng sau đó bởi não đã bị tổn thương không hồi phục, mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tốc độ cấp cứu nhanh và đúng đến đâu.

Trong ngày đầu tiên của quá trình điều trị, cụ thể trong 6h đầu tiên thì chủ yếu là thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sinh tổng hợp ( hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực, mở nội khí quản), truyền dịch, lợi tiểu, chống phù não và hạ nhiệt. Sang ngày thứ 2 của bệnh trở đi, các biện pháp điều trị được áp dụng chủ yếu thực hiện mục đích khống chế biến chứng của trạng thái đột quỵ do nắng nóng. Tùy từng trường hợp, người ta phải dùng trợ tim, trợ hô hấp , thở máy, mở nội khí quản, dùng kháng sinh liều cao, liệu pháp corticoid liều cao giới hạn. 

Dùng thuốc nào, liều lượng ra sao, chúng ta sẽ không có đủ thời gian trình bày ở đây. Điểm cốt yếu chúng tôi muốn truyền tải tới mọi người, đó là, đột quỵ não do nắng nóng cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Cơ hội sống sót và khả năng giảm thiểu biến chứng càng cao nếu như áp dụng các biện pháp cấp cứu hạ nhiệt càng sớm, đặc biệt trong 30 phút đầu tiên. 

Vì thế, đừng chần chừ bất kỳ một giây phút nào, hãy áp dụng các biện pháp có thể trong tầm tay để cấp cứu nạn nhân sớm nhất có thể. Nếu thân nhiệt có thể hạ xuống mức 39 0 C trong vòng 30 phút đầu tiên thì có thể đó là một dấu hiệu đáng mừng giúp nạn nhân được cứu sống, mặc dù đáp án có thể không là 100%.

Khi hoạt động dưới nắng nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên. Người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tăng thân nhiệt. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt đến thế nào mà hội chứng bệnh lý xuất hiện khác nhau.

BS. PHÚC HƯNG (Học viện Quân y)

Theo suckhoedoisong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ