Tết là dịp để con cháu trong nhà tề tựu đông đủ, cũng là lúc mà sự tương thông giữa hai cõi âm dương trở nên mạnh mẽ nhất. Vào dịp này, các gia đình sẽ tiến hành nghi lễ tạ mộ cuối năm, nhằm tưởng nhớ công lao của ông bà tiền tổ, đồng thời tri ân đối với sự che chở của chư vị thần linh.
Dưới đây là 3 lưu ý để nghi lễ được tiến hành một cách thuận lợi, gia tăng sự gắn bó, kết nối giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữa các thế hệ với nhau.
Chọn giờ đẹp để tiến hành dọn dẹp khu lăng mộ
Trước khi làm lễ tạ mộ cuối năm, các bạn và gia đình nên phát quang cỏ dại, cây cối và sửa sang những vị trí hư hại trên phần mộ của tổ tiên. Sau đó, gia đình hãy dọn dẹp và lau chùi vệ sinh bia mộ thật kỹ càng.
Việc chọn giờ đẹp để tiến hành sẽ giúp cho công việc đắc được linh khí tốt, đồng thời thể hiện sự chu đáo của gia chủ đối với các công việc tâm linh.
Theo đó, thời gian tốt nhất cho việc dọn dẹp, phát quang khu mộ hoặc từ đường, nhà thờ họ là vào giờ Mão (tức 5h – 7h sáng) hoặc giờ Mùi (từ 1h – 5h chiều) ngày 24 tháng Chạp. Nếu các bạn tiến hành vào ngày 29 tháng Chạp thì nên thực hiện vào giờ Thìn (tức từ 7h – 9h sáng).
Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời gian, thời tiết và sức khỏe mà các bạn có thể sắp xếp công việc sao cho phù hợp, miễn sao thể hiện được sự thành tâm đối với tổ tiên và thần linh.
Sắm lễ tạ mộ cuối năm
Đồ lễ tạ mộ cuối năm sẽ bao gồm hai phần đó là phần lễ tạ tổ tiên và phần lễ tạ thần linh, thổ địa. Với phần lễ tạ mộ cuối năm cho tổ tiên, các bạn nên chuẩn bị các lễ vật như hương, só lễ tạ mộ, trái cây, hoa tươi, trầu cau, rượu trắng, chè thuốc, nến cốc và vàng mã. Tuy nhiên với vàng mã thì không nên đốt quá nhiều, chỉ cần 1-3 đinh là đủ, cũng không nhất thiết phải chuẩn bị quần áo.
Đối với phần lễ tạ thần linh và thổ địa, các bạn nên chuẩn bị mâm xôi gà hoặc lễ xôi giò. Nếu nghĩa trang có miếu dành riêng cho thần linh thì các bạn nên mang lễ ra đó bày và dâng sớ tạ mộ, khấn tạ. Lễ tạ thần linh là việc cần thiết nhằm tạ ơn Phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần,… đã cho các cụ thời xưa nương nhờ mảnh đất đó.
Nhờ vậy các cụ mới có thể dõi theo và phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc. Phần lễ cúng tạ cuối năm có thể thay đổi tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, các bạn cũng nên chuẩn bị lễ vật cúng tạ lăng mộ một cách đơn giản, không nên quá cầu kỳ, chủ yếu là sự thành tâm dâng kính hướng về tổ tiên. Ngoài ra khi tạ mộ thì quý bạn cũng nên thắp hương cho các mộ xung quanh và cả những ngôi mộ vô chủ.
Những việc kiêng kỵ khi làm lễ tạ mộ cuối năm
Nghi lễ tạ mộ không nên làm linh đình, cũng không nặng về hình thức bởi điều này chỉ mang tính phô trương, lại tốn kém tiền bạc. Do vậy cần tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong lễ cúng tạ mộ.
Đặc biệt là không đốt quá nhiều vàng mã, Phật giáo cũng không có tục này và việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình làm lễ, kỵ việc cười đùa, cãi vã, nghiêm trọng nhất là ngồi trên ngôi mộ, điều này được coi là bất kính với bề trên.
Trên đây là 3 lưu ý quan trọng các bạn cần nhớ khí tiến hành nghi lễ tạ mộ cuối năm. Điều quan trọng chính là khi làm lễ cần đặt tâm thành lên hàng đầu, không phải để thỉnh cầu bất cứ điều gì, mà để giữ trọn đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.