3 nữ sinh Bến Tre chung sức cùng học đường bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Trước thực trạng môi trường tại nơi mình sinh sống ô nhiễm nặng, hạn mặn gia tăng, 3 cô gái ở Bến Tre đã thành lập nhóm dự án bảo vệ môi trường AROS nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.

Nhóm dự án bảo vệ môi trường AROS đã có những hoạt động hữu ích trong việc bảo vệ môi trường.
Nhóm dự án bảo vệ môi trường AROS đã có những hoạt động hữu ích trong việc bảo vệ môi trường.

Tiếng nói của các bạn trẻ muốn đóng góp cho môi trường quê hương

Nhóm AROS được thành lập từ tháng 11/2021 bởi 3 cô gái quê ở Bến Tre là Trần Lê Huỳnh Trang, sinh viên ngành Quan hệ công chúng, ĐH Văn Lang; Nguyễn Đặng Xuân Thu, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM và Trần Hồng Thiện, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, ĐH KHXH&NV TPHCM. Họ gặp nhau trong chương trình Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam năm 2021 do CHANGE (tổ chức phi Chính phủ Việt Nam về môi trường) tổ chức và cùng lập AROS vì có chung chí hướng và mục tiêu. 

Trưởng nhóm Trần Lê Huỳnh Trang chia sẻ: "Trong 3 - 4 năm trở lại đây, hạn mặn ở Bến Tre ngày càng nghiêm trọng, đến nỗi nhà bọn em ở thị xã Chợ Lách, nơi nổi tiếng là xứ sở trái cây bị mất mùa và không còn tổ chức được lễ hội trái cây hằng năm nữa. Nhiều bạn nhà ở thị xã thì phải đi mua từng can nước để sử dụng mỗi đợt mặn về. Vì thế, cả nhóm đều cho rằng, mình cần phải làm gì đó để hạn chế tình trạng trên".

Các thành viên của nhóm AROS (từ trái qua phải): Trần Lê Huỳnh Trang, Nguyễn Đặng Xuân Thu và Trần Hồng Thiện.

Các thành viên của nhóm AROS (từ trái qua phải): Trần Lê Huỳnh Trang, Nguyễn Đặng Xuân Thu và Trần Hồng Thiện.

Nhóm AROS đã thực hiện một loạt các hoạt động hữu ích như: dự án môi trường "Mặt trời xanh", dự án truyền thông "Sứ giả rừng xanh: Ngưng nhựa" cùng với chuỗi dự án "Tôi dám thay đổi". Chiến dịch triển khai từ tháng 2 đến tháng 4/2021 và thu hút được hơn 2.000 lượt tương tác trên mạng xã hội qua page của chương trình. Các mini game, chuỗi thử thách hành động thu hút hơn 200 bạn trẻ tham gia thực hiện.

"Sứ giả rừng xanh: Ngưng nhựa" là tiếng nói của chính các bạn trẻ Bến Tre muốn đóng góp cho môi trường quê hương. Bằng những hình thức trẻ trung và thời thượng như nhiếp ảnh, vlog, livestream đố vui về môi trường hằng tuần, dự án đã tạo ra làn sóng "Ngưng nhựa" tại thành phố Bến Tre. Mọi người nhắc nhở nhau không dùng ống hút nhựa tại quán cà phê, mang theo hộp dụng cụ ăn riêng khi đến trường, mang bình nước để hạn chế ly nhựa dùng một lần. 

Tất cả hành động ấy được chia sẻ lại trên facebook và gắn kèm hashtag của chương trình. Bên cạnh đó, dự án còn mời được 7 câu lạc bộ, đội nhóm đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia như THPT chuyên Bến Tre và THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Đặc biệt, dự án "Mặt trời xanh" của nhóm AROS đã trở thành 1 trong 7 dự án môi trường xuất sắc nhất được chọn triển khai của Ban tổ chức "Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam". Đó là một thành quả rất đáng tự hào của AROS, nhưng điều lớn hơn là nhóm đã đóng góp hiệu quả trong quá trình bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

Thực hiện dự án môi trường ở các trường tiểu học

Trong thời gian qua, nhóm AROS đã thực hiện rất nhiều dự án bảo vệ môi trường tại các trường THCS và THPT ở Bến Tre. Trong thời gian tới, AROS sẽ hợp tác với các trường tiểu học ở địa phương để hỗ trợ các thầy, cô giáo trong việc truyền tải kiến thức bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học.

Hiện tại, các thành viên nhóm AROS đang thu thập tài liệu, xây dựng chương trình và tập hợp nhân sự để thực hiện dự án.

Nhóm sẽ phối hợp với các trường trong quá trình tổ chức sự kiện ngoại khóa, một ngày hội cho các em học sinh tiểu học tham gia các trò chơi được lồng ghép các kiến thức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu…Theo kế hoạch, nhóm sẽ thực hiện dự án đầu tiên ở trường Tiểu học Bình Phú, xã Bình Phú, TP Bến Tre vào tháng 5/2022. 

Cô Huỳnh Thị Hạnh Tâm, hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Phú chia sẻ: “Nhà trường luôn sẵn sàng trong việc hỗ trợ nhóm AROS thực hiện hoạt động ý nghĩa này vào tháng tới. Trong thời gian qua, ngoài việc truyền tải các kiến thức về bảo vệ môi trường cho học sinh, các thầy, cô cũng đã hướng dẫn các em phân loại rác thải, làm các sảm phẩm tái sử dụng, điển hình như làm các sản phẩm từ chương trình “Sữa học đường”, để các em tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” ở Bến Tre”. 

Các thành viên nhóm AROS thu thập tài liệu, xây dựng chương trình và tập hợp nhân sự để thực hiện dự án ở các trường tiểu học.

Các thành viên nhóm AROS thu thập tài liệu, xây dựng chương trình và tập hợp nhân sự để thực hiện dự án ở các trường tiểu học.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19  là thách thức không nhỏ đối với nhóm AROS trong quá trình thực hiện dự án. Nhóm phải lên phương án dự phòng online để học sinh tìm hiểu các tài liệu về bảo vệ môi trường, trong trường hợp các em không thể tham gia giao lưu trực tiếp.

“Các em học sinh tiểu học tuổi vẫn còn khá nhỏ nên việc tổ chức sự kiện ngoại khó cũng sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là khâu quản lý, đảm bảo sự an toàn trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Việc tổ chức ngày hội cũng phải thực hiện một cách hài hòa sao cho các em vui nhưng không quên các kiến thức hữu ích về bảo vệ môi trường", thành viên Trần Hồng Thiện của nhóm AROS, chia sẻ.

Sau khi thực hiện dự án ở trường Tiểu học Bình Phú, AROS sẽ nhân rộng hoạt động ý nghĩa này đến với các trường tiểu học khác ở địa phương trong thời gian tới, cũng giống như những gì mà nhóm đã thực hiện thành công tại các trường THCS và THPT ở Bến Tre trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao phần thưởng cho tập thể tham gia tích cực nhất trong Cuộc thi trình bày và sáng tác poster chủ đề "Trẻ em gái làm chủ tương lai".

Trẻ em gái làm chủ tương lai

GD&TĐ - Ngày 12/10, hơn 300 CBQL, giáo viên, học sinh, đại diện cơ quan của Liên Hợp Quốc tham gia sự kiện truyền thông “Trẻ em gái làm chủ tương lai”.