Sáng 26/3, Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Thành Đoàn thành phố tổ chức Chương trình Đối thoại tháng 3 giữa lãnh đạo thành phố và đại biểu thanh niên năm 2022 với chủ đề: “Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển thanh niên TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030”.
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên
Đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề về giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng mềm của học sinh và sinh viên trên địa bàn thành phố, chị Võ Thị Minh Lan – Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch cho rằng, thực tế cho thấy việc đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên chưa có sự đầu tư đúng mức tại các cơ sở giáo dục, đa phần là học trên lý thuyết và kỹ năng thực hành trong thực tiễn còn rất hạn chế.
“Tôi thấy, phụ huynh thường cho con em đi học kỹ năng sống, kỹ năng mềm tại các lớp học ngoại khóa và trung tâm đào tạo bên ngoài với chi phí rất cao, việc tìm kiếm môi trường rèn luyện cho con em gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy trong thời gian tới, TP có giải pháp như thế nào để tăng cường sự quan tâm và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên trên địa bàn?”, chị Lan đặt vấn đề.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay, về trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm và các lớp ngoại khóa, trường học xem đây là kỹ năng quan trọng học sinh cần có, giúp các em hình thành các kỹ năng, xây dựng quan hệ với thầy cô giáo, ứng xử đúng mực với bạn bè, cha mẹ.
“Sự chuyển biến trong công tác giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường ở từng cấp học luôn được giáo viên và các thầy cô quan tâm. Trong mỗi hoạt động, lãnh đạo ngành Giáo dục đều theo dõi và thấy được việc hình thành kỹ năng từ bậc học mầm non cho đến giáo dục thường xuyên được đặc biệt chú trọng”, bà Thuận thông tin.
Cũng theo bà Thuận, HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua chương trình dạy bơi an toàn. Đối với học sinh tiểu học khi học hết lớp 5 thì cũng hoàn thành khóa học bơi cơ bản để hình thành kỹ năng.
“Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT phối hợp với gia đình, nhà trường để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”, bà Thuận nhấn mạnh.
Về công tác hướng nghiệp, Sở GD&ĐT đã tham mưu lãnh đạo thành phố về định hướng phân luồng cho học sinh từ cấp THCS đến THPT. Tại nhà trường, tổ chức tuyên truyền công tác hướng nghiệp, thực hiện các tiết học hướng nghiệp. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức giáo dục hướng nghiệp.
“Những năm qua các em đều theo học tiếp THPT, số lượng học sinh tham gia học nghề ít. Vì địa bàn TP Đà Nẵng, trường học công lập và ngoài công lập nhiều, hệ thống trường đại học tương đối lớn, chính vì vậy tất cả học sinh mong muốn được đến trường học tập để có nền tảng về kiến thức cơ bản về nghề trong tương lai”, bà Thuận nói.
Ngoài ra, các trường học cũng thực hiện công tác hướng nghiệp gắn với địa phương, mời các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố đến tư vấn hướng nghiệp cho học sinh... Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ TB&XH trong việc thông báo cho các em về nhu cầu tổ chức phiên chợ giới thiệu việc làm cho học sinh khi học sinh tham gia học nghề hoặc khi ra trường.
Chị Võ Lê Kim Ngân – Bí thư Đoàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nêu ý kiến về việc trước thực trạng tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục xảy ra và ngày càng gia tăng. Một số vụ án dã man gây rúng động xã hội mà người phạm tội đang trong độ tuổi thanh thiếu niên.
“Thành phố đã có giải pháp gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhóm thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật?”, chị Ngân đặt câu hỏi.
Ông Châu Thanh Việt – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết, thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn thành phố có 800 thanh thiếu niên độ tuổi từ 16-18 có hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi tố điều tra. Rơi vào các tội như: cố ý gây thương tích, mua bán ma tuý... Đây là con số đáng báo động cho thấy một bộ phận thanh niên còn hạn chế pháp luật.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai hiệu quả đề án tăng cường ý thức pháp luật, giáo dục pháp luật cho những địa điểm, tăng cường các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoà giải cơ sở. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các hoạt ngoại khoá, giáo dục pháp luật trong nhà trường...
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ thanh niên
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển Thanh niên TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, tập trung triển khai các biện pháp chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng thanh niên; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, thường xuyên tổ chức các phong trào hành động của Đoàn, tạo môi trường lành mạnh để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội, phát huy sức sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tạo điều kiện để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên giải đáp vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên.
Kết luận buổi đối thoại, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, buổi đối thoại diễn ra thẳng thắn, đóng góp ý kiến xây dựng thành phố ngày càng văn minh. Ông Triết cũng yêu cầu lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của các đoàn viên thanh niên, xem xét triển khai những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả những hiến kế của thanh niên thành phố.
Vị lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng cũng cho hay, thanh niên vì cộng đồng - xã hội, vì vậy phải chăm lo bồi dưỡng cho thanh niên. Ông Triết dẫn chứng, nhiều năm qua, TP có nhiều giải pháp chỉ đạo cách làm cụ thể để thực sự thể hiện tinh thần chăm lo cho thanh niên.
Ông Triết cũng cho rằng, công cụ pháp lý có đủ, quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào trong Nghị quyết 78 (Nghị quyết về phát triển thanh niên TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030) để từ đó các tầng lớp thanh niên được thụ hưởng từ Nghị quyết.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị các Sở ngành cần có tiếng nói, giải pháp để chăm lo cho thanh niên. Các cấp đoàn, cán bộ đoàn trao đổi dân chủ, thẳng thắn để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của thanh niên. Bên cạnh đó, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của chính quyền đối với công tác thanh niên và phát triển thanh niên...
Đối với vấn đề về thanh niên và chuyển đổi số, vị lãnh đạo Thành ủy cho rằng, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Tuy nhiên, điều đầu tiên phải có công dân thông minh. Đây cũng chính là ưu thế của tuổi trẻ.
Qua buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố mong muốn các đơn vị tiếp tục có nhiều giải pháp, công việc cụ thể để chăm lo cho đời sống, bồi dưỡng kiến thức thanh niên. Từ đó thanh niên thành phố phát triển mạnh mẽ, có nhiều thắng lợi mới, mang lại sự phát triển toàn thành phố.
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện UBND TP Đà Nẵng và Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa UBND TP với Thành Đoàn về triển khai thực hiện chương trình phát triển thanh niên TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030. |