Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết ba người tử vong do sốt xuất huyết sống tại các quận Tân Phú, Củ Chi, Bình Tân.
TP HCM đang trong giai đoạn cuối mùa dịch sốt xuất huyết, có xu hướng giảm song so với cùng kỳ các năm trước thì vẫn ở mức cao. Bốn tháng đầu năm, số bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn tăng 2,3 lần so với năm 2018.
Để ngăn sốt xuất huyết tăng khi bước vào mùa mưa, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM tập trung xử lý triệt để các ổ dịch, kêu gọi người dân diệt loăng quăng.
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes aegypti hút máu. TP HCM dễ bị lây lan bệnh do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và nằm trong vùng lưu hành của loại muỗi này. Ngoài ra mật độ dân cư đông đúc, tốc độ đô thị hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng nhanh cũng làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết lan rộng ở thành phố.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Lê Phương. |
Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh muỗi đốt, không cho muỗi phát triển. Tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng, đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến...
Khi nghi ngờ và phát hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế điều trị. Người bệnh thường sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.
Nặng hơn, người bệnh xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng... Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.