3 ngành học 'ăn chắc mặc bền' sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Chọn 3 ngành học sau đây không chỉ giúp sống chung cùng dịch bệnh, mà còn có tương lai phát triển mạnh.

Thương mại điện tử

Theo Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34% tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, chính sách giãn cách xã hội được áp dụng trên toàn cầu đã góp phần khuyến khích người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến nên các công ty thương mại điện tử vẫn ăn nên làm ra trong mùa dịch.

Điều đáng nói, xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội trong dịch bệnh để tăng doanh thu, đặc biệt là các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến, dịch vụ gọi xe và đồ ăn công nghệ, đây là những lĩnh vực mà nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh giãn cách khi không thể đi lại và mua sắm trực tiếp.

Do đó có thể nhìn nhận, thương mại điện tử ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế số hiện nay. Việc chọn ngành học về thương mại điện tử giúp học sinh, sinh viên mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

Ngân hàng

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Trong thời gian giãn cách xã hội, khách hàng buộc phải lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và trực tuyến vì chính sách hạn chế đi lại. Giai đoạn hậu Covid-19, mặc dù việc di chuyển đã thuận tiện hơn nhưng người dân đã hình thành được thói quen trong việc thanh toán và thực hiện các giao dịch bằng phương thức trực tuyến.

Đặc biệt hiện nay, việc đẩy nhanh các ứng dụng và công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một xu thế tất yếu hiện nay. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Digital Banking) là việc ứng dụng nền tảng công nghệ số đối với các chức năng, sản phẩm, dịch vụ ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng.

Vì thế, đây cũng là cơ hội việc làm không chỉ cho tài chính ngân hàng, mà còn nhiều chuyên ngành khác như quản trị kinh doanh, quản lý hệ thống dữ liệu, lập trình hệ thống, công nghệ thông tin, kinh tế, kế toán, luật.

Điện tử - Viễn thông

Kỹ thuật điện tử – viễn thông là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và các thiết bị điện tử như: máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng,….nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với con người, giữa con người với máy, và giữa máy với máy, được diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông hiện đang là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng đều đặn trong các năm qua. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam vẫn đang thiếu hụt đội kỹ sư điện tử và viễn thông có chuyên môn cao để để phục vụ công tác thiết kế, sản xuất, bảo trì, vận hành và nâng cấp hệ thống sản xuất.

Ảnh: TTXVN.

Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid -19 đã khiến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, sản xuất đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao,… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Công nghệ thông tin và viễn thông vẫn nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế trong mùa dịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng chuyển đổi số đã giúp ngành Công nghệ thông tin đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD; công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…

Với sự phát triển mạnh mẽ trên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành điện tử và viễn thông là rất cao. Đây cũng là ngành có nhiều yếu tố hấp dẫn khác thu hút các bạn trẻ đam mê công nghệ và muốn chinh phục sức mạnh số.

Các ngành học được định hướng trong tương lai như kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, kỹ sư viễn thông, khoa học máy tính hay truyền thông đại chúng... Nếu học sinh, sinh viên nắm bắt được xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo có thể học chuyên sâu về các mảng như dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Thị trường Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ