Thông thường sau khi kết thúc bữa ăn, các chị em chỉ có thói quen thu dọn và rửa bát đĩa mà quên mất một thứ vô cùng quan trọng cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, đó là chậu rửa bát.
Chậu rửa bát nằm gần khu vực nấu bếp hàng ngày, chưa kể mọi hoạt động trong nhà bếp như sơ chế, lau rửa thực phẩm,… đều cần sử dụng đến chậu rửa bát.
Vì vậy nếu không thường xuyên cọ rửa và vệ sinh, những vết bẩn, mảng bám hay vi khuẩn tồn tại trong chậu rửa bát vô tình sẽ là nguyên nhân gây bệnh cho cả gia đình.
Thay vì chỉ sử dụng xà phòng và nước để lau rửa chậu rửa bát, hãy áp dụng ngay những bước vệ sinh dưới đây để giữ chậu rửa bát nhà bạn luôn sạch bong, sáng bóng như mới, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Bước 1: Dọn dẹp sạch rác trong chậu rửa
Nhiều người thường có thói quen bỏ luôn rác vào bồn rửa, điều này dễ gây nên tình trạng ứ đọng, nước trong bồn rửa khó thoát xuống cống được do lượng rác quá nhiều.
Vì vậy, việc đầu tiên trước khi muốn vệ sinh chậu rửa bát, bạn cần phải đổ hết rác và cặn bẩn trong rổ đựng rác của chậu rửa, kể cả những thứ rác nhỏ bám xung quanh chậu.
Sau đó, sử dụng bàn chải đánh răng cọ rửa sạch những cặn bẩn bám trên rổ rác.
Bước 2: Cọ rửa chậu và thành chậu
Dù làm bằng chất liệu gì, inox hay sứ thì thường xuyên cọ rửa chậu rửa bát vẫn là việc hết sức cần thiết, tuy nhiên chỉ cọ rửa bằng nước sạch và xà phòng thôi chưa đủ để có thể “đánh bật” mọi vết bẩn và vi khuẩn trong chậu rửa. Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng thêm miếng bọt biển hoặc miếng rửa bát làm từ sợi ráp.
Kết hợp miếng bọt biển cùng với nước rửa chén, xà phòng hay chất tẩy rửa chuyên dụng cho bồn rửa inox hay chất liệu inox sau đó chỉ cần đánh sạch các vùng bị bám bẩn.
Đối với những ngóc ngách khó rửa, bạn có thể dùng bàn chải đánh răng cọ kỹ để vết bẩn biến mất. Đừng quên cọ rửa cả vòi nước, tay cầm, hay những vị trí khác nữa nhé.
Ngoài ra, chị em cũng có thể sử dụng giấm trắng để tẩy rửa những vết cặn vàng cứng đầu bằng cách tẩm giấm trắng vào giấy vệ sinh hoặc chiếc khăn mềm mỏng, rồi đặt quanh những khu vực cần làm sạch trong 1-2 tiếng. Những vết bẩn cứng đầu sẽ “không cánh mà bay” nhanh chóng.
Nếu nhà có rượu trắng, hãy sử dụng kết hợp chanh và rượu để loại bỏ những vết gỉ sét lâu ngày, để hỗn hợp trên bề mặt bồn rửa trong vài giờ thì những vết bẩn khó làm sạch nhất cũng phải “chịu thua”.
Bước 3: Khử trùng và thông cống chậu rửa
Sau khi đã cọ rửa sạch sẽ chậu rửa với các cách trên, việc quan trọng không kém đó chính là thông tắc cống cho chậu rửa. Để tránh tình trạng tắc hay nghẹt cống, hãy rắc một lượng vừa đủ bột baking soda (muối nở) vào bồn rửa, đặc biệt là cống thoát nước.
Sau 5-10 phút, bạn đổ nước sôi vào cống thoát nước và toàn bộ chậu rửa, cống sẽ không còn tắc, mùi hôi không còn nữa mà chậu rửa đã được khử trùng sạch sẽ, sáng bóng.
Ngoài ra, còn một số lưu ý chị em nên bỏ túi như:
- Thường xuyên lau chùi, vệ sinh bồn rửa 2-3 lần/1 tuần theo các bước trên để đảm bảo bồn luôn sạch sẽ.
- Đối với những nhà sử dụng chậu rửa sứ trắng, dùng giẻ lau đã ngâm trong thuốc tẩy áp lên toàn bộ bề mặt bồn rửa trong 30 phút, rồi rửa sạch với nước để làm sạch. Nếu không, hãy dùng hỗn hợp xà phòng, giấm hoặc bột baking soda với nước thay thế để tránh làm mất màu bồn rửa.
- Để tránh bồn rửa bị gỉ sét hay ố, không nên để trái cây, giấm, sốt salad hoặc các loại thực phẩm có tính axit lâu trên mặt bồn rửa.