Hàng chục tàu và tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 lính hải quân đã tham gia cuộc tập trận này, dự kiến diễn ra tới tận ngày 1/8.
Trung Quốc cử tới cuộc tập trận bốn tàu, bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa Haikou (Hải Khẩu) và tàu chiến trang bị tên lửa Yueyang (Nhạc Dương). Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận này.
Michael Wesley - Giáo sư về an ninh quốc gia ở Đại học Quốc gia Úc (ANU) - cho ABC biết rằng sự tham gia của Trung Quốc vào RIMPAC 2014 rất đáng chú ý, nhất là ở thời điểm mà các tranh chấp trên biển trong khu vực đang gia tăng.
“Sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc tập trận chung quan trọng ở chỗ có thể làm tăng cường lòng tin, khiến Trung Quốc không nghĩ rằng họ đang bị bao vây bởi các nước láng giềng và Mỹ.
Tôi tin rằng Bắc Kinh không tránh khỏi sự hoang tưởng chiến lược như thế, và tăng cường lòng tin bằng việc để Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu với sự tham gia của nhiều đồng minh Mỹ là điều hợp lý” - Ông Wesley nói.
Hải quân Philippines cũng sẽ tham gia cuộc tập trận này. Manila vừa bày tỏ sự phản đối quyết liệt với việc Trung Quốc tuyên bố một bản đồ mới vẽ đường mười đoạn biến biển Đông thành "ao nhà" của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói bản đồ mới cho thấy quan điểm bành trướng của Trung Quốc và đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Trước đó, Bắc Kinh đã đưa ra những cáo buộc tương tự với Manila sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino tỏ ý hoan nghênh quan điểm quốc phòng mới chủ động hơn của Nhật Bản.
Hãng tin Mỹ Fox News bình luận hải quân Mỹ đã “đảm bảo tự do hàng hải trong hơn hai thế kỷ” nên việc mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014 là “một động thái khôn ngoan”. Dẫn lời phó đô đốc Michael Manazir, Fox News cũng bình luận đây là cơ hội để Trung Quốc thấy sức mạnh thật sự của hải quân Mỹ.
Các nước châu Á tham gia cuộc tập trận bao gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Singapore.