25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Không ngừng nâng cao chất lượng sống của Nhân dân

GD&TĐ - Trong quá trình phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc luôn lấy làm trọng mục tiêu chăm lo tốt cho đời sống của người dân, tất cả vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan thăm, tặng quà Tết bà Ôn Thị Hồ, vợ liệt sĩ Trần Văn Chuyền, thôn Lưu Quang. Ảnh tư liệu
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan thăm, tặng quà Tết bà Ôn Thị Hồ, vợ liệt sĩ Trần Văn Chuyền, thôn Lưu Quang. Ảnh tư liệu

Dấu ấn 25 năm

Tháng 11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.

Đến cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập; năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội; năm 2009, huyện Lập Thạch được chia tách thành 2 huyện: Lập Thạch và Sông Lô. Hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo với 136 xã, phường, thị trấn.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ máy tổ chức được sắp xếp, tinh giản; công tác cán bộ có nhiều đột phá, chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và đi vào thực chất.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện một số cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì buổi tọa đàm giữa Cục Thuế tỉnh với các DN Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Vĩnh Phúc ngày 29/10/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện một số cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì buổi tọa đàm giữa Cục Thuế tỉnh với các DN Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Vĩnh Phúc ngày 29/10/2020

Sau 25 năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm. Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).

Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngoài thành tựu về tăng trưởng kinh tế thì nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Một số dự án lớn phải kể đến như: Văn Miếu tỉnh, Khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, Cầu Vĩnh Thịnh, Cầu Phú Hậu, Cầu Vĩnh Phú, Cầu Đầm Vạc, đường song song với đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; các khu du lịch: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B.

Văn hóa, Giáo dục gặt hái nhiều thành tích

Phát triển văn hóa, con người đạt nhiều kết quả quan trọng; thể thao quần chúng phát triển mạnh; thể thao thành tích cao có những bước tiến mới. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có  91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ. Có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang.

Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo
Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo

Vĩnh Phúc có 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (Hát ca trù, di sản Kéo song Hương Canh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt) và 5 di sản được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội xã Đại Đồng).

Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh trong những năm qua đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như Đua thuyền, PenCak Silat, Bắn súng... Đội tuyển bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành vị trí thăng hạng, tham gia thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn trao thưởng cho học sinh giành huy chương Olympic năm 2021
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn trao thưởng cho học sinh giành huy chương Olympic năm 2021

Giáo dục – đào tạo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp được quy hoạch và quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng cuộc sống được nâng cao

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tại Vĩnh Phúc được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến; đã đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.

Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đến hết năm 2021, đạt tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997; 14 bác sỹ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến.

Công tác phòng, chống dịch đại Covid-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Là địa phương đầu tiên của Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, công tác phòng chống dịch ở Vĩnh Phúc đã trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng. Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác phòng, chống dịch tại Vĩnh Phúc luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát
Công tác phòng, chống dịch tại Vĩnh Phúc luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát

An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống Nhân dân được nâng cao, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin truyền thông) được quan tâm.

Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.

Đặc biệt, ngày 12/3/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, cải thiện nâng cao toàn diện đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững.

Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Các chỉ số chung về giáo dục của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ năm 1998 đến nay, tỉnh có 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 33 huy chương cấp khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng các môn Toán học, Vật Lý, Sinh học,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?