Giáo viên các trường trong cụm Long Biên - Gia Lâm đang xem các sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm |
Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010 - 2015" nhằm xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lí và các cơ chế chính sách để thúc đẩy việc tự làm TBDH trở thành các hoạt động sư phạm thường xuyên, góp phần tạo ra các TBDHTL mới, cải tiến, sửa chữa các TBDH đã có trong các trường học mầm non và phổ thông. Đồng thời khuyến khích giáo viên tích cực sử dụng hiệu quả các TBDH đang ngày càng được trang bị và tự làm nhiều hơn trong các nhà trường, thiết thực hưởng ứng phong trào ”Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành”.
Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng TBDH đã được trang bị theo danh mục TBDH tối thiểu, khuyến khích động viên các hoạt động tự làm TBDH trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên nhằm góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học trong giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015.
Để thực hiện đề án, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra như nâng cao nhận thức; hoàn thiện hệ thống chính sách; đưa các tiêu chí có nội dung về nâng cao hiệu quả sử dụng TBDH và tự làm TBDH vào các phong trào thi đua, khen thưởng và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; xây dựng tài liệu, tập huấn chuyên môn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về TBDHTL trên Internet; phát triển các cơ sở nghiên cứu về TBDH và TBDHTL...
Đề án sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2010 đến 2012 sẽ triển khai thí điểm trên 5 tỉnh, thành phố với kinh phí 130 tỷ đồng (trung ương 13 tỷ đồng, địa phương 117 tỷ đồng).
Giai đoạn 2 từ 2013 đến 2015, triển khai đại trà trên toàn quốc với kinh phí 96 tỷ đồng (trung ương 7 đồng tỷ, địa phương 89 tỷ đồng). Giai đoạn từ 2016 trở đi sẽ sử dụng kinh phí thường xuyên của địa phương.
Hiếu Nguyễn