21 tuổi: Mẹ của 3 con nhỏ và bụng bầu đứa thứ tư

GD&TĐ - Sinh năm 1994, Giàng Thị Mẩy (Sapa, Lào Cai) đã có 3 đứa con và 1 cháu còn trong bụng mẹ. Ít ai biết, bà mẹ trẻ này đã lấy chồng từ năm 14 tuổi, và đứa con đầu tiên đã đến tuổi đi học lớp 1 mà vẫn chưa một ngày được đến trường.

Họ cần lắm những kiến thức cơ bản để tránh tình trạng tảo hôn xảy ra.
Họ cần lắm những kiến thức cơ bản để tránh tình trạng tảo hôn xảy ra.

Con suýt mất mạng vì mẹ…mải chơi

Mới 21 tuổi, nhưng trông Mẩy già nua, nụ cười còn buồn hơn cả tiếng ru con trên nương. Lấy chồng từ năm 14 tuổi, 15 tuổi có con đầu lòng và “sòn sòn” cho đến nay, mới 6 năm mà Mẩy đã là mẹ của 3 đứa con, lại sắp sinh thêm đứa nữa.

"Mình không chịu sinh nữa đâu. Chỉ muốn có hai con thôi. Sinh nhiều cực lắm, nhưng chồng mình không chịu, bắt mình sinh một đàn con cho vui cửa vui nhà” – Mẩy thủ thỉ với tôi hành trình lấy chồng - làm dâu - sinh con - của mình.

Khi lấy chồng, Mẩy còn nhỏ lắm, chưa biết gì cả, mới được dạy nấu cơm, quét nhà, làm nương rẫy chứ không biết về sinh con. Chẳng bao lâu thì có bầu, rồi đẻ con, ban đầu còn chẳng biết cho bú mớm gì hết, cứ tặc lưỡi cái gì đến sẽ đến thôi.

Khi đã là mẹ của hai đứa con, Mẩy đã thấm cái khổ. "Cực quá đi, cứ ở nhà trông con hoài. Lúc con biết bò là phải ra rẫy đi làm kiếm cái ăn. 

Sáng sớm đi, tối mịt mới về, có lần con bị bỏ đói, suýt chút nữa là chết, may có cả làng xúm đến cứu giúp. Mình thương con lắm. Lấy chồng sớm quá, rồi chỉ ăn với đẻ, khổ trăm bề. Nhiều lần nhìn thấy những người trong bản cố gắng học hành, đi làm rồi mới lấy chồng, thấy thèm lắm!".

Khi được hỏi về việc con đầu “suýt” mất mạng, Mẩy cho hay: Năm ấy còn nhỏ đã sinh con, con mới 4 tháng thì nhà hết thức ăn, tiền cũng không có nên đứa con nhỏ đói khóc, sữa mẹ cũng chẳng còn mà cho con bú. Nhà chẳng có ai, Mẩy đánh liều cho con ngủ rồi lên núi hái rau rừng về ăn.

Lâu ngày không ra khỏi nhà khiến Mẩy ham vui, gặp ai cũng trò chuyện, thấy cái gì cũng xúm lại xem. Cô gái ấy còn quá trẻ để nghĩ rằng mình còn có trách nhiệm của một người mẹ và đang có một đứa con còn 4 tháng tuổi ở nhà chờ mẹ.

Về đến đầu ngõ, Mẩy đã thấy người ta xúm vào quanh nhà. Đứa con nhỏ mặt tím tái, không cử động được. Mẩy hoảng quá lao vào ôm con thì được biết, hàng xóm đã nghe thấy tiếng gào khóc rất lâu, sau đó lại thấy chó sủa ầm ĩ, khi hàng xóm chạy đến thì đã thấy đứa bé ngã lăn từ trên giường xuống nền đất, mặt mũi lấm lem, bên cạnh là con chó đang sủa. Nếu không có hàng xóm thì không biết chuyện sẽ thế nào?

Uống thuốc tránh thai mấy viên để đỡ phải uống nhiều lần

Có lẽ Giàng Thị Mẩy nghĩ về tương lai của con từ chính hoàn cảnh của thế hệ mình. Chồng Mẩy chỉ học hết lớp 3 chương trình bổ túc. Còn Mẩy thậm chí chưa một lần được đi học vì “nhà mình không có tiền, đông anh em lắm, ai cũng đi học thì chết đói mất” nên Mẩy đã ngấm cái vất vả, nhưng lại không biết cách phòng tránh thai.

Đứa con thứ đầu năm nay đã lên 7 tuổi. Nhưng những gì mà bà mẹ người dân tộc Mông này biết về kế hoạch hóa gia đình thì còn quá mơ hồ.

Hỏi “Tại sao không kế hoạch để sinh con?", Mẩy nói: "Không biết kế hoạch như nào cả, trước kia cũng có cán bộ người Kinh hướng dẫn dùng thuốc tránh thai, nhưng không dám dùng thuốc đâu, có biết là thuốc gì đâu mà dùng. Hơn nữa, tôi lại không biết đọc".

Năm kia, có cán bộ dặn mỗi ngày uống một viên, dặn cẩn thận lắm, nhưng đi nương về mệt quá, lại trông con vất vả, quên không uống. Cuối cùng, uống liền mấy viên để… đỡ phải uống nhiều lần”.

Nhìn đàn con nheo nhóc, bà mẹ trẻ vẫn cứ “vô tư chửa đẻ” khiến chúng tôi không khỏi ái ngại, lo lắng. Rồi đây, đôi vợ chồng 22 tuổi này lấy gì nuôi 4 đứa con ăn học lên người. 

Chưa bàn đến những thiếu thốn về vật chất, chỉ nói đến chuyện bố mẹ không đủ hành trang kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho con, không biết chữ để dạy con học, và chính họ còn đang là “những đứa trẻ ham chơi” thì 4 đứa con biết trông cậy vào đâu?

Câu chuyện của Giàng Thị Mẩy là một trong số những câu chuyện của những bạn trẻ tảo hôn, lập gia đình quá sớm khiến bao hệ lụy xảy ra. 

Xét về tâm, sinh lý, họ còn chưa đủ tuổi để tự chăm lo cho chính bản thân mình. Vậy mà đã sinh con, lại nhiều, đẻ dầy khiến chúng thiệt thòi, không được chăm lo, đến trường học chữ.

Rồi đây, lấy gì đảm bảo rằng những đứa con của chị Mẩy sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn bố mẹ mình, sẽ trưởng thành hơn khi bước vào cuộc sống hôn nhân?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.