Theo báo cáo của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, trong những năm gần đây, các ca phẫu thuật thẩm mỹ ở nước này ngày càng hứng nhiều phản ánh tiêu cực. Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong 10 năm trở lại đây, có 20.000 người khởi kiện sau phẫu thuật và tới 200.000 gương mặt bị bác sĩ thẩm mỹ biến thành “mặt quỷ”.
Bà Cao, một trong những khách hàng của thẩm mỹ viện chia sẻ với những người làm khảo sát về cơn "ác mộng" sau khi thực hiện thủ thuật trẻ hóa làn da của mình.
Khi bà bước vào một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh, các bác sĩ tại đây đều khẳng định loại mỹ phẩm mà họ sử dụng rất an toàn, hoàn toàn không gây hại. Nghe bùi tai, bà Cao đã chấp nhận tiêm acid hyaluronic, một loại thuốc được cho là có khả năng chữa nếp nhăn hiệu quả.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, gương mặt bà không những không đẹp lên mà còn bị đau, sưng phù và mẩn đỏ. "Bác sĩ nói sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề này trong vài ngày." – bà kể lại. Trên thực tế, những vị bác sĩ "tay mơ" này hoàn toàn bó tay trước phát sinh sau phẫu thuật.
Nếu tìm hiểu sâu, bạn sẽ biết loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ và cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa giỏi mới được sử dụng. Những người có cơ địa dị ứng khi tiêm acid hyaluronic dễ bị mẩn đỏ, phồng rộp, ngứa. Nghiêm trọng hơn, loại acid này có thể gây viêm da dai dẳng, thậm chí hình thành các hạt nhân cứng dưới da.
Những người được chỉ định tiêm thuốc cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ như sau tiêm không được nhăn nhó, cười nói lớn, tập thể thao mạnh. Điều này đủ thấy, vị bác sĩ dùng acid hyaluronic cho bà Cao hoàn toàn chưa đủ tay nghề và cả y đức để thực hiện liệu pháp này.
Trường hợp của bà Cao chỉ là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ Trung Quốc "dính" bẫy từ các thẩm mỹ viện tư nhân. Cùng với nhu cầu làm đẹp tăng chóng mặt của người dân trong những năm trở lại đây, các thẩm mỹ viện xứ này cũng mọc lên như nấm, đủ loại "thượng vàng, hạ cám". Những "lò" thẩm mỹ không chuyên này "xuất xưởng" vô vàn nhan sắc bị phá hủy khác nhau như mặt sưng phù, phồng rộp, da bị viêm nhiễm sắc tố, mẩn đỏ, ung thư da…
Trong 10 năm qua, thẩm mỹ viện Trung Quốc cho ra lò 200.000 gương mặt hỏng hóc. |
Không chỉ dân thường mà cả những người đã có nhan sắc trong làng giải trí Trung Quốc cũng đam mê phẫu thuật nhằm thay đổi ngoại hình.
Một trong những ca phẫu thuật để lại hậu quả thương tâm là ca tử vong do gọt xương quai hàm của nữ ca sĩ kiêm người mẫu Vương Bối. Nguyên nhân là do bác sĩ tiến hành sai cách, khiến máu chảy tràn vào phổi. Sau cái chết của Vương Bối, dư luận bày tỏ mối quan tâm về việc vì sao một cô gái đẹp như họ Vương phải phẫu thuật thẩm mỹ.
Câu trả lời là sau khi thử vận may tại nhiều cuộc thi âm nhạc và thất bại, Vương Bối quyết tâm cải tạo nhan sắc để dấn sâu hơn vào thế giới giải trí. Như vậy là ham muốn nổi tiếng mù quáng cũng góp một phần vào việc các thẩm mỹ viện mọc lên tràn lan, đáp ứng nhu cầu của các cô gái Trung Quốc.
Trước thực trạng đáng lo ngại: lượng người muốn phẫu thuật thẩm mỹ tăng mà tay nghề, y đức lại giảm, bộ y tế Trung Quốc đã hết sức nỗ lực trong việc tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ hơn việc mở trung tâm thẩm mỹ cũng như sử dụng thuốc trong ngành công nghiệp dao kéo ở đất nước này.