Sau 2 ngày xét xử, chiều 20/9, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.
3 bị trong vụ án, gồm: Tô Hoài Dân (63 tuổi) bị tuyên án 4 năm tù; Tô Công Lý (con Tô Hoài Dân, 40 tuổi) bị tuyên án 10 năm tù và bị cáo Nguyễn Bá Đam (40 tuổi) bị tuyên án 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX còn buộc bị cáo Tô Công Lý bồi thường cho bị hại là UBND tỉnh Cà Mau hơn 203 triệu đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với Dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 04/2009 của Chính phủ.
Trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (từ năm 2009 đến 2012), ông Tô Công Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) đã trực tiếp và chỉ đạo ông Nguyễn Bá Đam - nhân viên Công ty Công Lý lập khống hồ sơ xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm: “Hệ thống xử lý nước thải” và “Khu tiếp nhận và phân tích rác” trị giá hơn 14,6 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, Tô Công Lý trình Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công Lý (cũng là cha Tô Công Lý) ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành Dự án.
Đồng thời ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho Công ty Công Lý và đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục khống nêu trên với số tiền trên 7,3 tỷ đồng.
Hành vi của Tô Công Lý đã vi phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu.
Đối với bị cáo Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự, vai trò đồng phạm với Tô Công Lý.
Trước đó, Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tô Công Lý từ 12 - 13 năm tù; bị cáo Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam mỗi bị cáo từ 7 - 8 năm tù, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nói lời sau cùng trước khi Toà nghị án, cả 3 bị cáo trong vụ án đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Khi chưa bị khởi tố, bị cáo Dân và Lý được người dân trong vùng gọi là “đại gia” và "thiếu gia" điện gió miền Tây vì có đầu tư một số dự án điện gió trên địa bàn Bạc Liêu, Cà Mau.