"2 bí quyết biến anh chồng vụng của tôi thành ông bố tốt"

"Quá trình này đòi hỏi 2 điều tôi không tự nhiên có được: cố tỏ ra vụng về và liên tục kêu gọi chồng trợ giúp", nhà văn Mỹ viết.

"2 bí quyết biến anh chồng vụng của tôi thành ông bố tốt"

Jo Piazza là tác giả 7 cuốn sách và người dẫn một chương trình podcast tại Mỹ. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị về trải nghiệm  "huấn luyện" chồng mình, anh Nick, thành một người cha tốt trên New York Times:

Nick đang cố vừa cắt con bạch tuộc bằng tay phải, vừa dùng tay trái dỗ cho con ngủ khi chúng tôi tham dự một bữa tiệc đoàn tụ gia đình ở Tây Ban Nha. "Thật khó hơn nhiều khi có con", anh lẩm bẩm. "Gì cơ anh?", tôi hỏi và nhìn chồng đầy cảm thông.

"Nhưng chúng ta sẽ quen dần", anh nói". "Chắc chắn rồi", tôi hùa theo.

Ngày nay, chồng tôi là một ông bố tốt, cực kỳ tốt. Tôi đã biết anh ấy sẽ như vậy mà. Chúng tôi đã dành hơn một năm trước khi sinh con trai để bàn luận về việc làm thế nào vợ chồng bình đẳng khi con trai Charlie ra đời. Chúng tôi cùng một đội và sẽ phân chia đều các nhiệm vụ nuôi con. 

Nhưng, sau khi trải qua 36 giờ chuyển dạ, kế hoạch chia việc 50/50 đó thất bại. Chồng tôi muốn hỗ trợ. Anh ấy có ý tốt nhưng chẳng biết làm gì. Và điều đó khiến anh cảm thấy mình vô dụng.

Nhà văn Jo Piazza and Nick Astern Ảnh: Marriedbiography.

Nhà vănJo Piazza và chồng Nick Astern.

Vào một đêm đằng đẵng, khoảng 3 tuần sau khi có con, tôi lạch bạch lê vào phòng tắm, tay vẫn ôm con, ngực đau tức sữa. Tôi cố dỗ con bú trong khi thằng bé khóc ngặt nghẽo quay đi, bàn tay nhỏ bé cào vào bầu sữa nhức nhối. Tôi bật khóc khi cố ngồi xuống bồn cầu vì vẫn đau vết khâu sau sinh.

Bỗng nhiên, chồng tôi xuất hiện ở cửa, tay dụi mắt. "Sao anh không đỡ đần gì em", tôi gào lên". "Em đâu có nhờ anh", chồng ngơ ngác.

Đúng thật! Tôi đã không nhờ anh. Tôi muốn anh tự giúp. Tôi muốn anh phải đọc được suy nghĩ của vợ, để biết khi nào cần bế con thay tôi, cho tôi được ra ngoài hít chút không khí trong lành, đi tắm, ăn uống tử tế thay vì phải nhấp nhổm đứng bốc đồ. Chồng cần tôi nói cho biết anh ấy nên làm gì.

Tôi vốn rất ngại nhờ ai đó giúp gì, nhất là đàn ông. Nhưng tôi buộc mình phải tập làm việc đó. Tôi tập đi tập lại, ngày này qua ngày khác: "Anh bế con giùm em với! Anh đỡ em đi xuống tầng nhé! Anh giúp em đưa xe đẩy ra xe nha...".

Tôi nhờ chồng bế con lên trước khi bé khóc, cố gắng gọi anh dậy cho con ăn lúc 3h sáng, thay tã cho con, rửa bình sữa bằng nước nóng, đi đổ rác, để đồ của con đúng chỗ, xử lý khi con nôn. Tôi hướng dẫn chồng cách dự đoán con sắp cần gì. "Anh không thể đọc được ý muốn của con", một lần Nick nói lúc nửa đêm. Tôi nhìn anh lạnh tanh: "Chúng ta không có lựa chọn. Con chẳng thể đưa ra yêu cầu, nên ta phải đoán thôi".

Có những đêm, tôi giả vờ ngủ say tới mức không nghe tiếng Charlie khóc, vì vậy chồng phải dậy để dỗ con.

Để giúp chồng cảm thấy bớt vô dụng, tôi phải tỏ ra mình yếu đuối, kém cỏi - dù điều đó không phải bản tính của tôi. Tôi vốn rất tháo vát, trong nhiều việc. Nhưng tôi cần làm cho Nick cảm thấy mình là nhà vô địch trong vai trò làm cha.

Khi mới có con, tôi giả vờ lóng ngóng chẳng biết quấn tã cho con. Tôi hết lời ca ngợi khả năng quấn con trong tã gọn gàng như một chiếc bánh nhỏ của Nick. Điều này khiến anh ấy tự tin hẳn và tranh làm việc đó, dù là lúc giữa đêm hay trước khi đi ngủ, giúp tôi được rảnh rang ngồi đọc sách trước giờ lên giường.

Lúc con lớn hơn, bé có nhiều nhu cầu hơn và tôi quyết định phải toàn tâm "huấn luyện" chồng mình kỹ hơn. Vậy là thỉnh thoảng tôi cố ý vắng nhà. Ban đầu tôi đi 2 ngày 2 đêm để biên tập lại cuốn tiểu thuyết. Lần sau, tôi đi hội thảo 5 ngày. Có phụ nữ chỉ trích tôi "sao cô lại để con 3 tháng tuổi ở nhà để đi như thế?". "Bởi vì con tôi vẫn còn bố mà", tôi nói và quyết định không làm bạn với những người phụ nữ đó nữa. Tôi rời con đi bởi vì chồng tôi cần học cách làm một người cha như cách tôi cần học để làm một người mẹ: qua việc làm thử và sai.

Bây giờ, hầu như tối nào chồng tôi cũng cho con đi ngủ. Anh ấy giỏi dỗ con hơn (tôi luôn nói với anh như vậy). Anh ấy luôn cho con ăn, giặt đồ, còn tôi chỉ cần gập. Anh ấy dọn và cho máy rửa bát chạy còn tôi lấy ra. Anh ấy giỏi đoán ý Charlie chẳng kém gì tôi.

Tôi vẫn rất ghét việc phải nhờ người khác giúp. Tôi vẫn ước chồng có thể đọc được suy nghĩ của mình.

Chúng tôi không phải là những ông bố, bà mẹ hoàn hảo. Chúng tôi vẫn có những lúc cãi nhau. Charlie cũng có lần tự đem giấu bỉm đi mà chúng tôi chẳng thể tìm được

Khi tôi ngồi viết những dòng này, thoang thoảng đâu đây vẫn mùi bãi nôn, nước tè của con. Nhiều ngày cả vợ, lẫn chồng, và con đều rơi nước mắt. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng và qua "khóa học năm ngoái", chồng tôi đã học được cách trở thành một người cha tốt và tôi học được cách biết nhờ anh đỡ đần.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.