Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm năm 2025:

169.000 lao động sẽ có việc làm mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình
Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình

Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

6 giải pháp quyết liệt thực hiện mục tiêu

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Phạm Quang Thanh, năm 2024, kinh tế Thủ đô duy trì mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, dự kiến 23/24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tình hình lao động, việc làm và quan hệ lao động trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Ước tính năm 2024, thành phố đã tạo việc làm mới cho 225.000 lao động, đạt 136,3% kế hoạch đề ra. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc là trên 2,1 triệu người, tăng 4,5% so với năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 107.000 người, tăng 21,2% so với năm 2023. Số lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là 70.353 trường hợp, số tiền hỗ trợ 2.171 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tình hình quan hệ lao động ổn định, không xảy ra ngưng việc tập thể…

Tuy nhiên, năm 2024, Hà Nội phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ. Có 3.876 doanh nghiệp giải thể (tăng 28%), 21.464 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 19%), 4.801 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,1%).

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) trong 9 tháng đầu năm 2024 là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,57%, giảm 0,23 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 7,06%, tăng 0,55 điểm phần trăm.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, thành phố Hà Nội đưa ra 6 giải pháp cụ thể và quyết liệt phấn đấu để đạt được.

Đó là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội...

“Phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết nối thị trường lao động trên địa bàn TP Hà Nội với thị trường lao động của cả nước.

Trong năm tới, Hà Nội sẽ thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động tại Hà Nội với thị trường cả nước”, bà Vũ Thu Hà cho biết.

ha-noi-dat-muc-tieu-giai-quyet-viec-lam-nam-2025a.jpg
Ảnh minh họa INT.

Nỗ lực phát triển thị trường lao động

Dự kiến, trong quý I năm 2025, TP Hà Nội sẽ tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 13.600 lao động; 600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quý II năm 2025, 67 phiên giao dịch việc làm được dự kiến tổ chức; tạo việc làm cho 18.800 lao động; 1.300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quý III năm 2025, tổ chức 67 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 9.900 lao động; 1.400 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quý IV/2025, tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 8.300 lao động; 1.300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động. Đồng thời, chủ trì triển khai Đề án “Phát triển quan hệ lao động TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đồng thời thực hiện khảo sát, thu thập thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm và dạy nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích dự báo thị trường lao động, tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Trung tâm phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện chính sách tạo việc làm cho người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.

Cũng theo chỉ đạo của TP Hà Nội, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.