16 triệu USD để biên soạn sách giáo khoa vẫn trong tài khoản của World Bank

GD&TĐ - Chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank – bà Trần Thị Mỹ An, cho biết, do Bộ GD&ĐT không biên soạn bộ sách giáo khoa riêng nên số tiền 16 triệu USD cho vay vẫn nằm trong tài khoản của tổ chức này.

16 triệu USD để biên soạn sách giáo khoa vẫn trong tài khoản của World Bank

"Chúng tôi đang đợi Chính phủ Việt Nam chính thức đề xuất tới World Bank về việc sử dụng tiền vào hoạt động gì theo như mục tiêu chung của dự án là nâng cao hiệu quả giáo dục qua việc cải tiến chương trình và sách giáo khoa", bà Trần Thị Mỹ An nói.

Chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank cho biết, theo cam kết ban đầu với World Bank, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn một bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, tháng 5/2019, Bộ thông báo nhiều nhà xuất bản sách giáo khoa ở Việt Nam đã chủ động biên soạn sách cho tất cả môn học. Để tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực, Bộ GD&ĐT cùng World Bank thống nhất ngừng biên soạn sách giáo khoa, tập trung nguồn lực vào đảm bảo chất lượng cho công tác thẩm định sách.

"Dự án đã cung cấp các chuyên gia quốc tế để giúp thẩm định sách giáo khoa, kết quả là tháng 11 vừa qua, đã có 32 quyển sách giáo khoa cho lớp 1 sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “Đạt”, đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để phát hành", bà An nói.

Chuyên gia cao cấp khẳng định Wold Bank luôn coi trọng việc thực hiện dự án hiệu quả. Mỗi năm hai lần, tổ chức này đều có các đoàn giám sát và hỗ trợ thực hiện dự án để đánh giá, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Wold Bank cũng thường xuyên giám sát để đảm bảo dự án hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ quy định và thủ thủ tục của hai bên.

Trước đó, trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – kiêm Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho biết, Cũng như bất cứ dự án ODA nào, trong Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong Hiệp định, Sổ tay thực hiện dự án các cấu phần cụ thể với nguồn kinh phí tương ứng. Trong quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Để giải ngân được phải xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm theo đúng thiết kế ban đầu, được Nhà tài trợ cấp Thư không phản đối... Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện và tuân thủ quy trình quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới.

Việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo thiết kế ban đầu, thay vào đó tổ chức theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước. Việc này giúp tiết kiệm được khoản kinh phí vẫn đang là thiết kế ban đầu của dự án, chưa được giải ngân từ WB.

Hiện dự án trong kỳ đánh giá cuối năm, Bộ đang đàm phán với WB về việc tái cấu trúc kinh phí dự án, trong đó có tái phân bổ nguồn kinh phí ban đầu cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Sau khi đạt được sự thống nhất với nhà tài trợ, tái phân bổ kinh phí, sổ tay của dự án sẽ được chỉnh sửa và triển khai. Tất cả vấn đề liên quan đến kinh phí của dự án phải được sự chấp thuận và giám sát của WB, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) có sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 77 triệu USD; trong đó 16 triệu USD được thiết kế để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn một bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Số tiền này được dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, biên tập, thực nghiệm và thẩm định SGK. Ngoài ra, có một phần kinh phí làm SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, SGK chữ nổi Braile phục vụ cho học sinh khiếm thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.