150 tham quan Trung Quốc đang "nhởn nhơ" trên đất Mỹ

Hơn 150 nhân vật máu mặt trong lĩnh vực kinh tế tại Trung Quốc bị tình nghi tham nhũng và nhận hối lộ đang sống lưu vong tại Mỹ nhưng công tác dẫn độ về nước xét xử lại vô cùng khó khăn.

150 tham quan Trung Quốc đang "nhởn nhơ" trên đất Mỹ

Việc dẫn độ các nghi phạm tham nhũng Trung Quốc từ Mỹ về nước xét xử gặp không ít khó khăn là do hai nước chưa ký kết thỏa thuận dẫn độ.

Mỹ "trở thành điểm đến lý tưởng nhất đối với các yếu nhân Trung Quốc muốn chạy trốn pháp luật", tờ China Daily dẫn lời Liao Jinrong, Tổng giám đốc Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình quyết tâm chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình quyết tâm chống tham nhũng tại Trung Quốc.

Ngay từ khi lên nhậm chức vào cuối năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ưu tiên triển khai chiến dịch chống tham nhũng nhắm tới mọi cấp lãnh đạo. Lâu nay, Bắc Kinh cũng mạnh tay đấu tranh với chủ đề "quan chức trần trụi" ám chỉ các viên chức chính phủ vốn có vợ hay chồng và con cái sinh sống tại nước ngoài, và sử dụng mối quan hệ này để chuyển các khoản thu nhập bất chính ra khỏi lãnh thổ quốc gia cũng như tránh bị điều tra.

Một số chuyên gia dự báo chỉ trong 5 năm qua, số lượng quan chức Trung Quốc và thành viên trong gia đình họ chuyển tài sản ra nước ngoài đã lên tới con số hơn 1 triệu người.

Tuy nhiên, việc dẫn độ những người này về nước để xét xử lại không hề dễ dàng, bởi giữa Trung Quốc và Mỹ chưa từng ký kết thỏa thuận dẫn độ. Ngoài ra, chính phủ nước ngoài cũng chỉ miễn cưỡng trao trả các nghi phạm Trung Quốc về nước do lo ngại họ có thể phải đối mặt với bản án tử hình.

"Chúng tôi đang phải giải quyết không ít khó khăn đưa các nghi phạm chạy trốn sang Mỹ trở về nước để xét xử do không có hiệp ước dẫn độ cùng với nhiều thủ tục phức tạp, rắc rối", ông Liao chia sẻ.

Do đó, Bộ Công an Trung Quốc đang cố gắng tổ chức các cuộc họp cấp cao với quan chức tư pháp Mỹ bao gồm Bộ An ninh Nội địa, China Daily dẫn lời Wang Gang, một quan chức cấp cao tại Cục Hợp tác quốc tế.

Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng đã phát động chiến dịch mang tên "săn cáo" nhằm vào các quan chức tham nhũng với quyết tâm truy quét tất cả các nghi phạm trên thế giới để đưa về nước xử lý.

"Đây là thông điệp mới mà chính quyền đương nhiệm muốn nhắn gửi tới cộng đồng. Trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công khai rõ ràng rằng họ sẽ đưa các quan chức tham nhũng về nước xét xử", Giáo sư chính trị Zhu Jiangnan tại Đại học Hồng Kông nhận định.

Lai Changxing bị dẫn giải về Trung Quốc xét xử sau khi bỏ trốn cùng gia đình sang Canada vào năm 1999.
Lai Changxing bị dẫn giải về Trung Quốc xét xử sau khi bỏ trốn cùng gia đình sang Canada vào năm 1999.

Một trong những vụ việc dẫn độ rắc rối nhất là chiến dịch đưa Lai Changxing, một trong những nhân vật bị chính quyền Trung Quốc truy nã gát gao nhất, vốn bỏ trốn sang Canada cùng gia đình vào năm 1999, về nước xét xử. Nghi phạm Lai bị cáo buộc vơ vét hàng tỷ USD từ hoạt động chính trị bất chính tại thành phố đông nam Hạ Môn.

Vụ việc đã khơi mào căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ottawa. Song trên thực tế, Canada đã trục xuất Lai vào năm 2011. Sau đó, Trung Quốc tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Lai.

Theo Bộ Công an Trung Quốc, trong 10 năm qua, mới chỉ có 2 nhân vật được cơ quan chức năng nước này dẫn giải từ Mỹ để đưa ra tòa xét xử.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho hay việc dẫn độ các nghi phạm từ Mỹ về nước trở nên khó khăn do các quan chức tư pháp Mỹ "không hiểu rõ về hệ thống pháp luật và thủ tục pháp lý của Trung Quốc. Họ luôn nghĩ rằng các cơ quan tư pháp của Trung Quốc sẽ vi phạm quyền của các bị cáo".

Hồi tháng Bảy, Tân Hoa Xã đưa tin tính trên toàn cầu, 320 nghi phạm tham nhũng đã bị "bắt và dẫn độ về Trung Quốc" trong vòng nửa đầu năm nay.

Bộ Công an Trung Quốc thông báo 18 nghi phạm liên quan tới tội phạm kinh tế đã bị bắt và đưa về nước kể từ ngày 22/7 – thời điểm chiến dịch "săn cáo" được phát động.

Hồi tháng Ba, công tố hàng đầu Trung Quốc, Cao Jianming cho biết hơn 10 tỷ Nhân dân tệ trong "khối tài sản và tiền phi pháp" đã được thu hồi. Ngoài ra, 762 nghi phạm tham nhũng cũng đã bị bắt giữ tại Trung Quốc và nước ngoài trong năm ngoái.

Còn theo bản báo cáo hồi năm 2008 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, từ giữa thập niên 90, khoảng 16.000 – 18.000 quan chức Đảng, doanh nhân và nhiều cá nhân đã bỗng dưng "biến mất" khỏi Trung Quốc cùng số tài sản trị giá 800 tỷ Nhân dân tệ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ China Daily, nhật báo tiếng Anh được phát hành tại Trung Quốc với số lượng lớn.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ