(GD&TĐ) -Theo Quy định của Bộ GD&ĐT, Hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hoá của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.
Kết quả phúc khảo sẽ có chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí theo quy định của trường. Nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm theo quy định, thí sinh sẽ được hoàn trả lệ phí. Không phúc khảo các môn năng khiếu.
Khi thí sinh có đơn đề nghị phúc khảo, ban Phúc khảo có nhiệm vụ: Kiểm tra các sai sót cơ học như: cộng sai điểm, ghi nhầm điểm bài thi của người này sang người khác; phúc khảo các bài do thí sinh đề nghị; chấm bài thi thất lạc đã được tìm thấy; chấm bài mới thi bổ sung do sai sót của hội đồng tuyển sinh; trình Chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường quyết định điểm bài thi sau khi đã chấm phúc khảo.
Việc tổ chức phúc khảo tiến hành theo từng môn thi dưới sự điều hành trực tiếp của Trưởng ban Phúc khảo.
Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo giống nhau thì giao bài thi cho Trưởng ban Phúc khảo ký xác nhận điểm chính thức.
Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả của hai trong ba lần phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả của cả ba lần chấm lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức rồi ký tên xác nhận.
Trong trường hợp phúc khảo bài thi mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại) hoặc lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì hội đồng tuyển sinh phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm.
Nếu hội đồng tuyển sinh trường khẳng định chấm thi đợt đầu sai tới mức phải điều chỉnh điểm thì hội đồng tuyển sinh trường công bố công khai danh sách cán bộ chấm thi đợt đầu để rút kinh nghiệm hoặc nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định của quy chế.
Điểm phúc khảo sau khi đối thoại giữa hai cặp chấm và được Trưởng ban Phúc khảo trình Chủ tịch HĐTS ký duyệt là điểm chính thức của bài thi.
Với bài thi trắc nghiệm, điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.
Lập Phương