Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học và tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF). Đây là hoạt động mang dấu ấn của sự hội nhập quốc tế, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.
Năm học 2021-2022, cuộc thi tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 đe dọa đến sự an toàn học đường, nhiều học sinh vẫn chưa được đến trường. Vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, cuộc thi tiếp tục thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia.
Điều đó chứng tỏ khát vọng được học tập, nghiên cứu của học sinh vẫn chiến thắng dịch bệnh và vượt mọi khó khăn. Thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ nhận thức đầy đủ hơn, sâu hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, hy vọng từ những thách thức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, chúng ta càng nhanh chóng khẳng định được hiệu quả của việc chuyển đổi số trong giáo dục.
Chúng ta cũng nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.
Chia sẻ về cuộc thi, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021 – 2022 được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; góp phần thực hiện giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán;
Đồng thời góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học; góp phần chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới;
Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học; Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các địa phương, và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong THPT, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Số đơn vị dự thi năm nay là 71 (60 Sở GD&ĐT, 11 trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT, trường ĐH, Đại học). Tổng số dự án đăng ký dự thi năm học 2021-2022: 144 dự án, 273 học sinh. Trong đó, cấp THPT có 129 dự án với 244 học sinh; cấp THCS 15 dự án với 29 học sinh.
Số lĩnh vực dự thi là 22 lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lý và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.