Mashco-Piro, Peru
Bộ lạc Mashco-Piro, một trong 12 bộ lạc tách biệt với thế giới bên ngoài, đang sinh sống trong khu bảo tồn thuộc rừng Amazon, Peru. Dù giới chức đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách bảo vệ nhưng số lượng người của bộ lạc vẫn giảm dần do dịch bệnh. Bộ lạc bao gồm 3 - 4 nhóm người và đã trải qua nhiều cuộc tấn cống và xung đột nội bộ. Trong quá khứ, khi các công ty Dầu khí quốc tế tiến hành khai thác rừng Amazon, họ đã sử dụng bom cao su để xua đuổi người Mascho-Piro, làm nhiều thổ dân thiệt mạng. Theo Therichest, hiện nay, bộ lạc định cư ổn định trong khu bảo tồn rừng Amazon nhưng những kẻ khai thác gỗ trái phép vẫn là mối nguy hiểm. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng một con đường chạy qua khu bảo tồn của chính quyền Peru cũng đe dọa lãnh thổ của họ một lần nữa. Ảnh: Reuters |
Piaroa, Venezuela
Bộ lạc Piaroa bao gồm khoảng 14.000 thành viên, chủ yếu sinh sống tại lưu vực sông Orinoco, giữa Columbia và Venezuela. Các nhà nghiên cứu cho biết các tộc trưởng lãnh đạo bộ tộc dựa trên truyền thống về sự chia sẻ, bình đẳng và tôn trọng cá nhân. Các thành viên bộ lạc Piaroa chung sống rất đoàn kết và hợp tác với nhau. Đặc điểm này thể hiện rõ trong các cuộc tranh chấp đất đai với bộ lạc láng giềng. Những cuộc chiến đấu bảo vệ vùng đất sét tự nhiên giúp các thành viên bộ lạc gắn bó hơn, nhưng họ có xu hướng bạo lực và hiếu chiến. Ảnh: The Richest |
Wayampi, Brazil
Người Wayampi sinh sống ở Guiana, một tỉnh hải ngoại thuộc Pháp ở Nam Mỹ, và Brazil. Từ thế kỷ 18, nhiều người Wayampi đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua các nhà truyền giáo. Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện nay thế giới chỉ còn hai bộ tộc người Wayampi sống tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Họ chống lại người phương Tây, những nhà truyền giáo và thậm chí là các bộ tộc Wayampi láng giềng. Phương thức sinh tồn của cư dân hai bộ tộc này là đánh cá, săn bắn, trồng trọt các loại cây như chuối, khoai lang. Ảnh: Astucesagogo |
Totobiegosode, Paraguay
Bộ lạc Totobiegosode là nhóm người sống cô lập nhất trong bộc tộc Ayoreo ở Paraguay. Bộ tộc Ayoreo là nhóm dân tộc thiểu số duy nhất sống ngoài khu vực rừng Amazon mà không có sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Điều kỳ lạ nhất trong cuộc sống của người Ayoreo là tập quán "chôn sống". Khi một người Ayoero cảm nhận cái chết đang đến gần, họ yêu cầu những người cùng bộ lạc "chôn sống" họ. Người ta lấp đất lên cơ thể người đang hấp hối và khiến họ chết ngạt. Giống các bộ tộc thiểu số khác, cuộc sống của người Ayoreo đang bị đe dọa. Vì thế, chính quyền Paraguay đã thành lập các tổ chức chuyên trách để bảo vệ các bộ lạc này. Ảnh: Elciudadano.el |
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc sở hữu một nền văn hóa độc đáo. Một trong số đó là người Rục đang sinh sống ở miền Trung Việt Nam. Theo thống kê, hiện tại bộ tộc Rục có khoảng 1.300 người với ngôn ngữ chính là tiếng Chứt. Một tiểu đội công an Quảng Bình đã phát hiện tộc người Rục vào ngày 12/8/1959 trong hang sâu tại vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), gồm 11 hộ với 34 người. Năm 1960, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình bắt đầu vận động người Rục rời hang đá ra sống định canh, định cư. Tuy nhiên, người Rục quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm. Bởi theo tôn giáo của người Rục, họ tin rằng nơi cư trú hay các sự vật vô tri khác như cây cối, sông suối, động vật cũng có linh hồn và năng lượng sống. Họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú với những nhạc cụ núi rừng như đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc và làn điệu cà lưm cà lềnh. Ảnh: The Richest |
Waodani, Ecuador
Bộ tộc Waodani, gồm 4.000 cư dân, đang sống ở Ecuador. Giống như người Rục ở Việt Nam, người Waodani tin rằng "vạn vật hữu linh", thể xác và tinh thần là một. Tuy nhiên, tín ngưỡng duy linh không làm giảm lối sống bạo lực của bộ tộc này. Theo thống kê, khoảng 60% người Waodani chết do bị giết. Trong 40 năm qua, tộc người này phải trải qua những thay đổi từ lối sống săn bắt hái lượm sang cuộc sống định cư tại những khu vực nhất định trong rừng. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người Waodani né tránh sự thay đổi và trở nên cô lập hơn với thế giới. Ảnh: galleryhip.com |
Carabayo, Colombia
Bộ tộc Carabayo sinh sống ở lưu vực sông Purevùng Amazon thuộc Colombia. Theo truyền thống, nhiều người Carabayo sống chung trong ngôi nhà dài nhưng hẹp. Cuộc sống của bộ tộc này không hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Trong quá khứ, nạn buôn nô lệ và khai thác cao su đã xâm nhập cuộc sống và buộc họ chấp nhận bạo lực. Chính phủ Colombia đã áp dụng nhiều chính sách bảo vệ bộ tộc Carabayo, nhưng họ vẫn có xu hướng chuyển đến những vùng hẻo lánh hơn và trở nên thù địch với người lạ. Ảnh: Blogspot |
Yanomami, Venezuela
Tộc người Yanomami là một bộ tộc người bản địa Venezuela với dân số khoảng 35.000 người. Một số điều thú vị về bộ tộc này là tập quán tảo hôn, chế độ đa thê - đa phu, tục hỏa táng người chết, sử dụng ma túy trong các nghi lễ chữa bệnh của pháp sư. Các cô gái Yanomami kết hôn từ khi bắt đầu dậy thì (10 - 12 tuổi) và bạo lực thường xuyên xảy ra trong gia đình. Ảnh: The Richest |
Awa, Brazil
Người Awa sinh sống ở những cánh rừng thuộc Brazil. Theo thống kê, hiện tại bộ tộc này có 350 người, trong đó hơn 100 người sống cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ buộc phải sống du cư bởi sự xâm lấn của người châu Âu từ những năm 1800. Năm 2003, chính phủ Brazil mới có những chính sách bảo vệ cuộc sống của người Awa. Tuy vậy, tình trạng bạo lực vẫn diễn ra đe dọa cuộc sống của bộ tộc này. Ảnh: Socioambiental.org |
Toromona, Bolivia
Bộ tộc Toromona sinh sống ở phía tây bắc Bolivia, gần bộ tộc Araona, những người đã có thể liên hệ với người Toromona.Trên thực tế, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác nơi định cư của bộ tộc này. Giới chức Bolivia tuyến bố, họ hoàn toàn tôn trọng cuộc sống cô lập của người Toromona. Năm 2006, chính phủ đã phân một phần của Vườn quốc gia Madidi cho họ sinh sống. Ảnh: The Richest. |
Jarawa, Ấn Độ
Trước đây, bộ lạc Jarawa là một trong những bộ lạc sống tách biệt nhất với thế giới. Họ sinh sống trên quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ. Tuy nhiên, từ thập niên 90, người Jarawa đã có liên hệ với thế giới bên ngoài. Người ta xây dựng trục đường Andaman gần khu vực định cư của người Jarawa để khách du lịch có thể biết bộ lạc này. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định sự tiếp xúc với nhiều người khiến dịch sởi bùng phát 2 lần, đe dọa cuộc sống của bộ lạc Jarawa. Ảnh: galleryhip.com |
Sentinelese, Ấn Độ
Bộ tộc Sentinelese được coi là cô lập nhất thế giới, dân số khoảng 40 - 500 người, sống trên quần đảo Andaman, Ấn Độ. Họ kiếm sống bằng phương thức săn bắt, hái lượm và không biết làm nông nghiệp hay sử dụng lửa. Mặc dù các nhà khoa học chưa tiếp cận sâu với cuộc sống của ngưởi Sentimelese nhưng họ đánh giá bộ tộc này vẫn duy trì tập quán quần hôn. Ảnh: Weebee9.com |