“100 mùa sen nở” của họa sĩ Thuận

“100 mùa sen nở” của họa sĩ Thuận

Huỳnh Văn Thuận - một trong những họa sĩ chuyên nghệ thuật tranh sơn khắc và cổ động thời chiến đã vĩnh biệt trần thế cách đây gần 3 năm, nhưng người yêu tranh luôn nhớ về một cụ già tóc dài cặm cụi bên giá vẽ từ sáng tới đêm.

Người đi đầu tranh sơn khắc

Sinh năm 1920 tại xã Bình Hòa, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh), 15 tuổi thiếu niên Huỳnh Văn Thuận đã thi đỗ vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định. Sau 3 năm học tập và tốt nghiệp, ông thi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1939 - 1944). Trong thời gian này, sinh viên Huỳnh Văn Thuận đã có nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật tham gia triển lãm, như: Buổi sớm ở Hàng Xanh (1940); Thành Huế (1943) đoạt giải Nhất Salon Unique.

Tháng 10/1944, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và công tác tại Phòng Thông tin Hà Nội, sáng tác tranh cổ động tham gia triển lãm đầu tiên dưới chế độ mới. Ông cùng họa sĩ Lê Phả tổ chức triển lãm tranh khắc gỗ màu với chủ đề “chống giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm” tại Hà Nội và Hải Phòng. Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ông cùng với các nghệ sỹ khác lên chiến khu Việt Bắc.

Có lẽ trong số các họa sĩ nước nhà, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong số ít người đã theo học cả hai ngôi trường danh tiếng trong làng hội họa - Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định và Trường Mỹ thuật Đông Dương. Có lẽ bởi vậy mà họa sĩ Thuận nổi tiếng với phương châm “làm cho ra lẽ” ở nhiều mảng miếng với sự chuyên tâm cực độ.

Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tranh sơn khắc xuất phát từ gốc tranh sơn mài. Việc học sơn khắc rất khó bởi cách vẽ khác hẳn với sơn mài. Nếu như sơn mài người ta có thể vẽ bằng chổi hay bút lông, cũng có khi là chất liệu mềm rồi mới quét sơn lên vóc, thì sơn khắc khâu đoạn lại làm khác hẳn. Sơn khắc là nghệ thuật của đồ họa, sự hoàn thiện của bức tranh phụ thuộc vào những nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế cảm xúc.

Ở tranh sơn mài, để có một tấm vóc vẽ người ta phủ sơn ta lên tấm gỗ và mài phẳng, thì sơn khắc độc đáo ở chỗ phải sử dụng kỹ thuật thủ công để khắc lên tấm vóc sơn mài. Cho nên, không có nhiều hoạ sĩ theo đuổi dòng tranh sơn khắc, dù có một thời sơn khắc trở thành loại hình nghệ huy hoàng.

Bây giờ nhắc tới sơn khắc, nhiều người ấn tượng với hình ảnh làng chài ven biển, những mái tranh, cây cối, cổng chào bên cạnh vô số nhân vật, thuyền bè, lưới vó đặt cùng khung cảnh cối xay lúa, người nông dân, giàn bí, cờ đỏ sao vàng… Và đó là “Thôn Vĩnh Mốc” - tác phẩm đoạt giải Nhất của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958, hiện đang là một trong những tác phẩm trụ cột của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được đánh giá là người đi đầu trong loại hình nghệ thuật này. Ông vẽ cực chậm, như thể chờ đợi cảm xúc nhưng lại cho ra rất nhiều tranh sơn khắc công phu như “Làm sạch thóc nộp kho” (1981), “Ngày mùa ở Vĩnh Kim” (1960 - 1997), “Vết xích xe tăng giặc” (1998), “Kéo bừa thay trâu” (1954 - 2016).

“100 mùa sen nở” của họa sĩ Thuận ảnh 1
Nhân 100 năm ngày sinh, triển lãm “100 mùa sen nở” trưng bày các ký họa chì của cố họa sĩ Thuận.

Người vẽ huy hiệu Đoàn

Những người hiểu họa sĩ Thuận cho rằng, sở dĩ ông làm tranh sơn khắc thành công như vậy vì ngay từ thời sinh viên đã nổi tiếng vẽ kỹ. Mọi chi tiết đều rất công phu, rừng lá tầng tầng lớp lớp được chăm chút đến từng chiếc vân, chiếc cuống.

Các bạn học cùng khóa Mỹ thuật Đông Dương với ông (1939 – 1944) như họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Trọng Hợp từng nói về kỉ niệm cuối năm 1941, khi danh họa Nhật Fujita (khi đó đã nổi tiếng tại Pháp) sang thăm Trường Mỹ thuật Đông Dương, ghé qua lớp với ý định xem lướt. Nhưng rồi Fujita đã phải dừng lại, đeo kính vào, nhìn như soi bức vẽ cảnh bằng chì của sinh viên Thuận và thốt lời khen về mức độ công phu của các nét vẽ tỉa.

Một dấu ấn đặc sắc trong cuộc đời sáng tạo của ông là vẽ mẫu tiền. Kể từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay đã có nhiều mẫu tiền do nhiều tác giả vẽ, nhưng ghi dấu đậm nét nhất có lẽ là tờ 10 đồng màu đỏ. Chân dung Bác Hồ trên tờ tiền 10 đồng đỏ hồi ấy được toàn dân đánh giá rất cao, rất giống, hiện thực và tinh tế.

Bên cạnh vẽ tiền, huy hiệu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng là một dấu ấn lưu lại cho tới tận ngày nay của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Năm 1950, họa sĩ Thuận công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Bắc, đi phục vụ chiến dịch giải phóng biên giới. Năm 1951, ông cùng họa sĩ Tôn Đức Lượng được giao phác thảo huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc. Và bản phác thảo của ông đã được Bác Hồ chọn làm biểu tượng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho đến ngày nay. Huy hiệu Đoàn được giữ nguyên cấu trúc hình khối theo bản vẽ ban đầu do họa sỹ Huỳnh Văn Thuận thiết kế. Huy hiệu có hình tròn, trên nền sọc xanh lá và trắng là hình ảnh một cánh tay nắm chắc lá cờ Tổ quốc đi lên.

Sự nghiệp mỹ thuật của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận có một mảng rất quan trọng không ai có thể quên: tranh cổ động. Ông chuyên tâm vẽ tranh cổ động như hơi thở suốt gần 70 năm. Một khoảng thời gian dài như cả một đời với vô số những tác phẩm được thành hình có ngôn ngữ đồ họa cô đọng, mạnh mẽ, nổi bật, chân phương, dễ hiểu.

Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận từng nắm giữ chức vụ Cục trưởng đầu tiên Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Bí thư Đảng Đoàn - Hội Mỹ Thuật Việt Nam khóa I, Phó Chủ tịch hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam khóa II.

Tròn 100 năm ngày sinh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận - một tấm gương, nhân cách của người nghệ sĩ chân chính. Triển lãm “100 mùa sen nở”, Văn Lang Centre và Bình Minh Art Gallery phối hợp cùng Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn tổ chức trưng bày các sáng tác ký họa chì của họa sĩ Thuận đến hết ngày 5/6/2020 tại 63 Hàm Long (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ