100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC

100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC

Nhằm nâng cao hơn nữa giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh với một cơ chế xã hội đủ mạnh và sự phối hợp hiệu quả của gia đình – nhà trường và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông và mầm non giai đoạn 2008 – 2013 chính là sự cụ thể hóa của yêu cầu “Dạy tốt, học tốt” trong giai đoạn hiện nay.

Lớp học đàn của trường THCS Lê Quý Đôn (Hải Dương) (ảnh: gdtd.vn).
Lớp học đàn của trường THCS Lê Quý Đôn (Hải Dương) (ảnh: gdtd.vn).

Mục đích của phong trào là huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của thầy và trò trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.

Yêu cầu của phong trào thi đua là tập trung các nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện, vui vẻ, đảm bảo có đủ nhà vệ sinh sạch sẽ. Thầy, cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh từ thực tiễn. Phong trào thi đua phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, sát với điều kiện ở cở sở.

100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC ảnh 2
Giờ ra chơi của trường TH Thái Phiên (Hải Phòng) (ảnh: gdtd.vn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phổ biến mục tiêu, yêu cầu, nội dung của phong trào thi đua tới tất cả các Sở Giáo dục & Đào tạo, các trường phổ thông. Cùng đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn, đánh giá kết quả phong trào thi đua của từng bậc học làm căn cứ để các cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá phong trào thi đua sau mỗi năm học; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu về giáo dục kỹ năng sống và tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán các tỉnh, thành phố.

Cùng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký các chương trình phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội LHPN VN, Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện phong trào này giai đoạn 2008 – 2013. Với kế hoạch dài này, việc giáo dục toàn diện học sinh từ nay bước sang một giai đoạn mới: Không chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm huy động nguồn lực của mình để giáo dục thế hệ tương lai của đất nước và cả hai ngành và 3 đoàn thể cũng tham gia. Đây là cơ sở cốt lõi của hệ thống chính quyền và hệ thống chính trị của nước ta cùng với sự tham gia của gia đình, các đoàn thể và lực lượng xã hội khác để giáo dục toàn diện nhân cách học sinh.

100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC ảnh 3
Cùng đu quay nhé... (trường MN Hoa Cú, Hải Phòng) (ảnh: gdtd.vn).

Sau 2 năm thực hiện phong trào, cảnh quan và điều kiện cơ sở vất chất của các nhà trường được cải thiện nhanh chóng, có cây xanh bóng mát có lớp học đủ ảnh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Số công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng số trường có công trình vệ sinh lên 38.893 trường, đạt 96,7%, trong đó có 83,9% đạt vệ sinh…Các trường cũng đã đặt các thùng rác thân thiện để đảm bảo môi trường vệ sinh sạch sẽ. Các trường cũng trồng mới được 2,2 triệu cây xanh phù hợp điều kiện môi trường.

Phong trào thi đua được triển khai với 5 nội dung chính là: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luênj kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Về dạy và học hiệu quả, giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh được hướng dẫn cách tự học, cách tổ chức và tham gia các hoạt động làm việc theo nhóm, chủ động bày tỏ các quan điểm, hiểu biết trong bài học.

100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC ảnh 4
Thư viện của trường TH Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) (ảnh: gdtd.vn).

Về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Học sinh được tranh bị những kiến thức cơ bản để ứng xử với những tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm, kỹ năng tự chăm sóc bản thân… Một số trường đã xây dựng được bộ Quy tắc ứng xử văn hóa, thành lập tổ tư vấn, xây dựng hệ thống câu lạc bộ trong nhà trường…

Tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, đưa văn hóa dân gian vào trường học đã được lồng ghét tích hợp vào các hoạt động chính khóa và ngoại khóa của nhà trường. Qua các trò chơi và làn điệu dân ca, học sinh cảm nhận được tình yêu thương đối với quê hương, đất nước.

Tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương là một mặt mạnh trong triển khai phong trào thời gian qua góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử, làm cho học sinh hiểu và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc từ hoạt động thực tiễn…

100% các trường tham gia phong trào Xây dựng THTT,HSTC ảnh 5
Tranh của học sinh trường THCS Phan Đình Giót (Hà Nội) hướng tới kỷ niệm Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (ảnh: gdtd.vn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung, biện pháp, cơ chế thực hiện để tạo ra một phong trào có tính hoàn chỉnh trong giai đoạn 2008 – 2013; Xây dựng phong trào trở thành giải pháp đột phá trong giáo dục toàn diện cho học sinh nhằm giảm những bức xúc của xã hội về việc “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người”, tăng cường giáo dục đạo đức học sinh, phòng chống tệ nạn xã hội; Tăng cường rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động xã hội cho học sinh; Xây dựng cơ chế để mỗi gia đình, ban ngành, đoàn thể, nhà trường, địa phương nhận thức và phân công trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời tạo ra môi trường thân thiện ở cả gia đình và nhà trường. Cùng đó, qua phong trào, ngành giáo dục cũng xác định được mức độ thân thiện, tích cực của nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh, gia đình và địa phương bằng bộ công cụ đánh giá.

Quang Anh  

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ