1. Lượng oxy gen thấp có thể sẽ khiến bạn buồn ngủ hoặc đau đầu
Theo ước tính, có khoảng 45 triệu người Mỹ sẽ sử dụng máy bay để di chuyển trong những mùa lễ hội cuối năm. Và nếu bạn là một trong số những người thường xuyên di chuyển bằng máy bay, thì bạn chắc hẳn sẽ biết được cảm giác khó chịu khi thường xuyên phải đi máy bay là như thế nào.
Bên cạnh sự đông đúc và căng thẳng tại sân bay, thì việc bay lên một độ cao rất lớn so với mặt đất như vậy cũng có những ảnh hưởng lên cơ thể của bạn.
Mặc dù áp suất không khí trong các khoang máy bay đã được điều chỉnh để ngăn chặn các bệnh có thể xảy ra khi lên cao, nhưng bạn vẫn có thể sẽ có cảm giác buồn ngủ hoặc đau đầu.
Áp suất khí oxy trong các khoang máy bay thấp tương đương với áp suất không khí khi ở độ cao từ 200-2500m so với mặt đất. Khi áp suất oxy giảm thấp, bạn sẽ rơi vào tình trạng thiếu oxy nhẹ, và với một số người nhạy cảm, thì thiếu oxy nhẹ có thể sẽ khiến bạn bị đau đầu.
Một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra rằng, nếu lượng khí oxy giảm đi khoảng 4% thì có thể sẽ là một vấn đề đáng lo ngại nếu bạn mắc phải các vấn đề về tim mạch hoặc phổi.
Để làm giảm tình trạng đau đầu khi đi máy bay, bạn có thể uống nhiều nước, tránh sử dụng đồ uống có cồn hoặc có chứa caffein.
2. Máu có thể sẽ tích tụ ở dưới chân khiến chân bạn sưng phù
Ngồi lâu một chỗ trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng có thể sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu trên toàn cơ thể khiến bàn chân và mắt cá chân của bạn có thể bị sưng phù.
Ngồi lâu cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, một tình trạng mà máu không được lưu thông tốt, thường xảy ra khi đi lại bằng máy bay. Khi ngồi ở tư thế như trên máy bay, các tĩnh mạch ở chân sẽ bị chèn ép và lưu lượng máu chảy tới chân sẽ bị chậm lại.
Mặc dù trong những trường hợp này, bạn sẽ được nghe nhiều lời khuyên là nên đứng lên và đi lại xung quanh nhưng nếu trên máy bay, ai cũng đứng lên và đi lại như vậy thì có thể sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn, đôi khi còn gây nguy hiểm đến sự thăng bằng của máy bay nữa.
Nếu bạn là những hành khách bình thường, khỏe mạnh và không có các yếu tố nguy cơ khác, thì bạn không nhất thiết phải đứng lên đi lại trong trường hợp này.
Bạn có thể thực hiện một vài động tác di chuyển đơn giản tại mắt cá chân: ví dụ như xoay cổ chân, duỗi bàn chân và co bàn chân lại. Đây là những động tác bạn vẫn có thể thực hiện khi ngồi tại chỗ mà lại có thể thực hiện thường xuyên, càng nhiều càng tốt trên suốt chuyến bay.
Các yếu tố nguy cơ của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm béo phì, mang thai hoặc vừa mới sinh con (hậu sản), đang sử dụng viên uống tránh thai hàng ngày, trên 40 tuổi hoặc có các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Những người có các yếu tố nguy cơ này nên sử dụng tất băng ép và thậm chí với một số người có nguy cơ cao, nên sử dụng các thuốc chống đông máu.
Hãy trao đổi với bác sỹ nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ ở trên và có kế hoạch đinh bay đi đâu đó trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.
3. Bạn có thể bị mất nước
Không khí bạn hít vào trong các khoang máy bay thực ra chính là không khí từ bên ngoài, và không khí từ bên ngoài, khi ở độ cao trên máy bay thì có rất ít hơi ẩm.
Không khí ở độ cao này rất khô, và chỉ có độ ẩm dưới 10%. Mất nước có thể sẽ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, đặc biệt là nếu phối hợp với tình trạng áp suất thấp trong khoang máy bay.
Một số tình trạng bệnh lý hoặc việc dùng một số loại thuốc có thể sẽ làm nặng thêm cảm giác này. Cách tốt nhất để dự phòng mất nước là uống thật nhiều nước, từ trước khi lên máy bay.
Bạn cũng nên sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giảm tình trạng khô mắt và có thể sử dụng muối biển dạng xịt để làm giảm tình trạng khô mũi và chảy máu mũi.
Thay đổi áp suất trong khoang máy bay có thể khiến bạn bị đầy hơi
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, tình trạng đầy hơi của các hành khách đi máy bay tăng lên đáng kể.
Theo Hiệp hội Y học Hàng không Mỹ, hơi trong cơ thể có thể tăng lên tới 25% khi đi máy bay. Trong vật lý, chúng ta đã biết rằng, khí có thể sẽ tăng lên ngược với áp suất.
Do vậy, khi bay lên cao, áp suất bên ngoài sẽ giảm đi đáng kể và do vậy, khí (hơi) trong cơ thể sẽ tăng lên. Lượng khí (hơi) này bao gồm cả hơi trong ruột non, và có thể dẫn đến tình trạng chướng bụng và dẫn đến việc bạn muốn “xì hơi”.
“Xì hơi” tại một nơi đông người và chật hẹp như máy bay thì đúng là không hay chút nào. Vậy phải làm thế nào? Nếu nhịn thì sẽ không tốt cho cơ thể, do vậy, nếu bạn muốn, hãy tống lượng hơi ra ngoài, và nếu được hãy thực hiện việc này trong nhà vệ sinh.
4. Thay đổi áp suất có thể ảnh hưởng đến tai của bạn
Cũng giống như việc tăng lượng hơi trong ruột non, tai của bạn cũng có thể sẽ chịu ảnh hưởng do việc thay đổi áp suất không khí. Khi chúng ta lên cao, lượng hơi sẽ tăng lên, buộc màng nhĩ phải lồi ra ngoài hơn một chút và khiến bạn có cảm giác khó chịu trong tai.
Và cảm giác khó chịu sẽ còn tiếp tục diễn ra khi lượng hơi bị mắc lại sẽ đi qua vòi Eustachian đi vào họng và tai sẽ trở lại bình thường. Nhai kẹo cao su sẽ rất giúp ích cho bạn trong trường hợp này.
Và khi máy bay hạ cánh, thì quá trình ngược lại lại xảy ra. Áp suất không khí tăng dần, do vậy cần thêm nhiều không khí hơn nữa để di chuyển vào tai giữa. Và đó là lý do tại sao bạn thường ngáp khi máy bay hạ cánh.
Một cách khác để làm giảm nhẹ tác dụng của không khí là che kính mũi và họng của bạn, do vậy, không khí từ vòi Eustachian buộc phải đi vào tai giữa và sẽ làm cân bằng áp suất trở lại.
Tuy nhiên, một điều may mắn là ảnh hưởng này của áp suất không khí chỉ là tạm thời và không để lại hậu quả gì lâu dài cả.
5. Bạn sẽ giảm cảm giác ngon miệng.
Đồ ăn trên máy bay có thể không thực sự vô vị và nhạt nhẽo như bạn nghĩ. Độ ẩm thấp trong không khí bạn hít vào trên máy bay sẽ làm khô lớp niêm mạc ở miệng và mũi, do vậy, sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận về hương vị của bạn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhận thức về đồ ăn ngọt và mặn sẽ bị giảm đi khoảng 30% trong môi trường mô phỏng môi trường trên máy bay.
Hãng hàng không Bristish Airways gần đây đã thử nghiệm việc thêm vào hương vị Nhật Bản (gọi là vị umami) để làm giảm tình trạng mất vị giác, nhưng bạn cũng có thể làm giảm tình trạng mất vị giác bằng việc uống nhiều nước.
Khô miệng có thể sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng, nhưng cảm giác ngon miệng sẽ trở lại nếu bạn uống đủ nước
6. Thay đổi áp suất không khí có thể gây đau răng
Mặc dù đây là tình trạng ít gặp, nhưng thay đổi lượng khí (hơi) trong cơ thể thậm chí cũng có thể ảnh hưởng đến răng của bạn, bởi hơi cũng có thể mắc lại trong các lỗ hàn hoặc các lỗ sâu răng.
Khác với tình trạng đau tai hoặc đau xoang do đi máy bay, thì tình trạng đau răng do máy bay là sẽ không thể dự phòng được. Nói cách khác, việc nhai kẹo cao su hoặc há mồm ra sẽ không làm giảm được áp suất trong răng của bạn.
Do vậy, đau răng do đi máy bay thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn để làm giảm triệu chứng này nhưng nếu bạn chỉ bị đau răng nhẹ, thì bạn có thể đến gặp nha sỹ trước khi bạn lên lịch bay.
7. Da bạn sẽ bị khô
Một ảnh hưởng khác của việc đi máy bay là khô da. Mất nước có thể dẫn đến khô da và nứt nẻ môi. Dưỡng ẩm trước khi lên máy bay có thể làm giảm thiểu những tác động này. Dưỡng ẩm dạng lotion sẽ tốt hơn dạng xịt khoáng vì khi dùng xịt khoáng, một lượng lớn hơi ẩm đã bị không khí giữ lại.
Bạn cũng nên uống nước để giữ cả cơ thể đủ nước. Khi hạ cánh, bạn nên rửa mặt bằng nước. Rửa mặt và tẩy tế bào chết sẽ giúp bạn loại bỏ những tế bào bong ra do tình trạng khô da và có thể giảm được tình trạng mọc mụn.
8. Hơi thở bạn có thể sẽ có mùi khó chịu
Khi miệng bạn bị khô do đi máy bay, bạn sẽ không có nhiều nước bọt và việc này có thể sẽ kích thích vi khuẩn phát triển, dẫn đến hơi thở có mùi.
Nếu bạn chưa ăn gì, và đặc biệt là nếu bạn không uống nhiều nước, bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng hơi thở hôi lần thứ 2 trong ngày (lần đầu tiên là khi bạn ngủ dậy).
Đồ uống có đường và thức ăn nhanh trên máy bay cũng sẽ không giúp ích gì cho bạn. Khô miệng cùng với việc không chải răng trong suốt chuyến bay dài có thể sẽ khiến bạn có hơi thở hôi.
Bạn có thể làm giảm tình trạng này bằng cách mang bàn chải đánh răng và cố gắng uống nhiều nước.
9. Làm mất nhịp điệu sinh học của bạn
Tất cả các hoạt động chức năng, từ tiết hormone, buồn ngủ, tỉnh táo, cảm giác đói và nhiều chức năng khác, đều phụ thuộc vào đồng hồ sinh học của bạn.
Bay qua một múi giờ khác sẽ khiến đồng hồ sinh học của bạn bị lạc nhịp, và bạn sẽ cần thời gian để điều chỉnh lại. Nguyên tắc là chúng ta sẽ cần phải có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi cho mỗi múi giờ mà chúng ta bay qua.
Điều đó có nghĩa là sau một chuyến bay 6 tiếng xuyên Đại Tây Dương, thì bạn sẽ cần khoảng 6 ngày thì cơ thể mới có thể thích nghi và hoạt động bình thường trở lại được.
Nhưng nếu chuyến bay của bạn là đi công tác và bạn không có thời gian nghỉ ngơi thì sao? Để có được sự thích nghi tốt nhất với sự lệch múi giờ trong thời gian ngắn, bạn nên cố gắng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các hoạt động ngoài trời, thay vì ở trong nhà và nằm trên giường vì quá mệt mỏi
10. Bạn sẽ không thực sự bị ốm
Mặc dù môi trường có độ ẩm thấp như trên máy bay là môi trường thích hợp để các bệnh lây qua đường hô hấp phát triển, nhưng nguy cơ bị ốm của bạn ở trên máy bay là rất thấp bởi máy bay có sử dụng bộ lọc HEPA.
Không khí trên máy bay sẽ được lưu thông và “làm mới” thậm chí còn thường xuyên hơn không khí trong các tòa nhà, trường học hay tại nhà của bạn.
Tỷ lệ trao đổi không khí này, cùng với việc lọc không khí và tuần hoàn không khí, sẽ làm giảm nguy cơ các bệnh lây qua đường hô hấp. Trừ khi bạn ngồi cạnh ai đó bị ho hoặc hắt hơi, nếu không thì nguy cơ bị ốm của bạn sẽ rất thấp.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng vi khuẩn có thể tồn tại trong các bề mặt của khoang máy bay, do vậy, bạn nên thường xuyên rửa tay và không đưa tay lên các niêm mạc, ví dụ như mắt, tai, mũi và miệng.