10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2012

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2012

(GD&TĐ) - Năm 2012 qua đi để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới. V.Putin lần thứ 3 trở thành ông chủ điện Kremlin, Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5, Syria chìm trong bạo lực và Eurozone ngập trong cảnh nợ nần, tranh chấp biển đảo ở châu Á-Thái Bình Dương leo thang căng thẳng, CHDCND Triều Tiên đưa vệ tinh vào vũ trụ... là những nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2012.

Sau đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2012 do Báo GD&TĐ bình chọn.

1. Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2

Với 332 phiếu đại cử tri và 51% phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 6/11, Barack Obama đã đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney để tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa. Đây là chiến thắng lịch sử của Barack Obama bất chấp những trở ngại do kinh tế nước Mỹ hồi phục chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Sách kỷ lục Guinness đã xác định Barack Obama đã phá vỡ 3 kỷ lục trên mạng xã hội: Thông điệp phổ biến nhất trên mạng xã hội trong 24 giờ, lượng like nhiều nhất trên Facebook trong 24 giờ và lượng like nhiều nhất trên Facebook cho tới nay.

2. V.Putin lần thứ 3 trở thành ông chủ điện Kremlin

Với 63,6% phiếu ủng hộ, V.Putin đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 4/3/2012. Trong bối cảnh những cuộc biểu tình chống đối của phe đối lập với sự tham gia của hàng ngàn người diễn ra liên miên, chiến thắng của V.Putin được coi là ngoạn mục. Tri ân với những người ủng hộ trong lễ mừng chiến thắng, V.Putin rơi lệ nói: "Chúng ta đã giành thắng lợi trong cuộc chiến quy mô và trung thực". Chiến thắng của V.Putin chứng tỏ người dân Nga vẫn tiếp tục ủng hộ ông với vai trò người lãnh đạo cao nhất và kỳ vọng vào "con đường Putin". Vậy là V.Puitn đã trở thành Tổng thống Nga lần 3 và là Tổng thống Nga đầu tiên với nhiệm kỳ 6 năm theo hiến pháp mới sửa đổi.

3. Nội chiến ở Syria

Khủng hoảng Syria kéo dài suốt năm 2012, leo thang thành nội chiến và để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng: Hơn 4000 người chết, các thành phố, làng mạc bị tàn phá, hàng ngàn người phải tị nạn ra nước ngoài. Cộng đồng quốc tế và LHQ đã có những nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực, lập lại hòa bình ở Syria nhưng chưa có kết quả. Những ngày cuối năm, dư luận đang đồn đoán rằng Nga sẽ "buông" chính quyền của Tổng thống Bashar Assad nhằm cứu vãn tình hình, chặn đứng đổ máu. Theo các nhà phân tích, sự tồn tại của chính quyền Bashar Assad chỉ còn được tính bằng ngày.

4. Tranh chấp biển đảo ở châu Á-Thái Bình Dương

Năm 2012 chứng kiến những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Những địa danh như Senkaku/Điếu Ngư, Dokdo/Takeshima, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hay Trường Sa, Hoàng Sa đã và đang trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Tranh chấp biển đảo đã khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cũng như phát triển kinh tế của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

5. LHQ công nhận "nhà nước quan sát viên" cho Palestine

Ngày 29/11, với 138 phiếu thuận, 41 phiếu trắng và 10 phiếu chống, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết "nâng cấp" cho Palestine từ "thực thể quan sát viên" lên "Nhà nước quan sát phi thành viên" của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ, Israel. Quy chế mới cho phép Palestine trở thành thành viên đầy đủ của các cơ quan thuộc LHQ như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO)...

Theo các nhà phân tích, đây là thắng lợi lớn nhất của Palestine trong sự nghiệp đấu tranh không ngừng, không nghỉ nhằm xây dựng một nhà nước Palestine độc lập. 

6. "Cách mạng mùa đông" ở Ai Cập

Làn sóng "Mùa xuân Ả Rập" đã cuốn phăng các chế độ độc tài ở Ai Cập, Lybia, Tunisia...với khát vọng xây dựng một thể chế dân chủ trong thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, khát vọng về một chế độ dân chủ của thế giới Ả Rập còn quá xa vời. Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Lybia) hôm 11/9, giết chết Đại sứ Christopher Stevens và gần đây nhất là Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi làm dấy lên làn sóng biểu tình của phe đối lập, dân chủ đã cho thấy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chế độ độc tài vẫn còn đó, nếu không muốn nói rằng chúng đang trỗi dậy trong thế giới Ả Rập sau "Mùa xuân Ả Rập".

7. Khủng hoảng Eurozone

Cả năm qua, EU gồng mình chống đỡ cuộc khủng hoảng nợ công. Hàng loạt các Hội nghị Thượng đỉnh EU được triệu tập để tìm cách tháo gỡ, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công vẫn như bóng ma lởn vởn khắp trời Âu. Bắt đầu từ Hy Lạp, cuộc khủng hoảng đã lan sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếp theo là Italia. Nguy hiểm hơn, tờ Le Figaro số ra mới đây khẳng định cuộc khủng hoảng đã lan sang các nền kinh tế trụ cột của EU là Pháp và Đức. Kim ngạch xuất khẩu của Đức đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9 vừa qua, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp trong thời gian này cũng sụt giảm thê thảm. Tờ Le Figaro cho hay, một số doanh nghiệp Đức bắt đầu rục rịch sa thải nhân viên. Ngoài ra, cũng theo Le Figaro, kinh tế Pháp đang đứng trên bờ vực suy thoái. 

8. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ, Israel và Iran

Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran luôn là tâm điểm quan ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt đối với Mỹ và Israel. Sau hàng loạt các biện pháp cấm vận mạnh tay của LHQ và các nước phương Tây khiến nền kinh tế của Iran lao đao nhưng không ngăn được ý chí của Tehran thực hiện chương trình hạt nhân. Trong năm 2012 không dưới 1 lần dư luận đồn rằng Mỹ và Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Gần đây nhất, báo Foreign số ra ngày 9/10 đưa tin, Mỹ và Israel đã lên kế hoạch khá chi tiết cho cuộc tấn công nhằm vào Iran. Theo kế hoạch này, hai nước sẽ sử dụng máy bay ném bom và máy bay không người lái bất ngờ tấn công nước cộng hòa Hồi giáo. Theo tính toán, cuộc tấn công như vậy sẽ đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran thêm nhiều năm.

9. Chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc

Đại hội 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày 14/11 đã bầu ra Ban chấp hành mới. Ngay trong phiên họp đầu tiên (15/11), Ban chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị. Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc và sẽ tiếp quản chức Chủ tịch nước tại phiên họp Quốc hội vào tháng 3 năm tới. Đại hội 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được coi là đặc biệt quan trọng vì là Đại hội chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5. Đại hội có chủ đề "Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học, giải phóng tư tưởng, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, tăng cường sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả". Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân với tư cách cố vấn tối cao.

10. CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh Kwangsongming-3 vào vũ trụ

Vào 9h49’ ngày 12/12 (giờ địa phương), từ Trung tâm không gian Sohae, CHDCND Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ 2 vào vũ trụ. Đây là thắng lợi lịch sử, là kết quả của 40 năm đầu tư vào ngành công nghiệp tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Bất chấp những phản ứng gay gắt từ LHQ và các cường quốc khác, ngày 14/12 Triều Tiên đã tổ chức lễ mít tinh cực lớn với sự tham dự của 150 ngàn binh sĩ và người dân ở Bình Nhưỡng để chào mừng sự kiện phóng thành công tên lửa Unha-3. Với một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân như CHDCND Triều Tiên, việc phóng thành công tên lửa tầm xa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giờ đây, Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa đối với các nước láng giềng mà còn là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ. Theo các nhà phân tích, sau vụ phóng thành công tên lửa lần này, công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã tiến một bước dài và nó thực sự đưa đất nước này bước vào trang sử mới.

 GD&TĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ