(GD&TĐ) - 10 năm phát triển thị trường chứng khoán, số lượng công ty niêm yết đã tăng từ 2 công ty lên 550 công ty với mức vốn hoá thị trường trên 700.000 tỉ đồng, chiếm trên 40% GDP.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28-7-2000 chỉ với 2 cổ phiếu niêm yết trên sàn là REE và SAM. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, thị trường đã có những bước phát triển đáng kể thể hiện qua những con số.
|
Tổng vốn huy động qua kênh TTCK trong 10 năm ước đạt 700.000 tỷ đồng, tương ứng 40% GDP. Ảnh, internet |
Trong 5 năm đầu, giá trị giao dịch bình quân chỉ là 55 tỉ đồng/phiên, 5 năm tiếp theo đã tăng gần 25 lần đạt giá trị 1.300 tỉ đồng/phiên. Tổng giá trị vốn huy động trong 5 năm gần đây qua thị trường đã đạt gần 300.000 tỉ đồng, trong đó, riêng năm 2007 tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 127.000 tỉ đồng.
Số lượng các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 7 công ty chứng khoán và 1 công ty quản lý quỹ trong thời gian đầu lên 105 công ty chứng khoán và 46 công ty quản lý quỹ tính đến hôm nay. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cũng tăng mạnh, từ 3.000 tài khoản năm 2000 lên gần 950.000 tài khoản.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng được mở rộng với danh mục đầu tư đạt gần 7 tỉ đô la Mỹ và trên 12.000 tài khoản, trong đó có trên 1.300 tài khoản là của các tổ chức nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nhận định: phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải tiếp tục phát triển thị trường vốn, tức thị trường chứng khoán. Vì vậy trong 10 năm tới cần thực hiện 5 mục tiêu chính.
Thứ nhất, thực hiện căn bản một bước tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại hóa và chuyên nghiệp hơn. Chủ động hội nhập quốc tế theo lộ trình và bước đi phù hợp.
Thứ hai, mở rộng quy mô về chất lượng thị trường chứng khoán, từng bước đưa vào vận hành các sản phẩm mới và các loại thị trường mới, tăng tính thanh khoản của thị trường, phấn đấu đạt mức vốn hóa từ 50 - 100% GDP, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế.
Thứ ba, tăng cường an toàn tài chính, sức cạnh tranh của các định chế trung gian, các tổ chức thành viên của thị trường chứng khoán.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm và cưỡng chế thực thi những vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán; tăng cường năng lực giám sát thị trường, đảm bảo cho thị trường hoạt động bền vững, an toàn, công khai, minh bạch.
Và cuối cùng là hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong giao dịch và quản lý thị trường.
Giang Đông