Năm học 2022-2023, thực hiện chủ đề: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo”, ngành Giáo dục Quảng Bình đã nỗ lực, tận dụng mọi điều kiện triển khai các nhiệm vụ dạy học và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chất lượng giáo dục có bước tiến vượt bậc
Thứ nhất: Sở GD&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua 4 Nghị quyết, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, cụ thể hoá chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Đặc biệt, các Nghị quyết quy định thống nhất nội dung, đối tượng, mức chi cụ thể để thực hiện nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở GDMN và GDPT công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình… đáp ứng được nguyện vọng chính đáng cũng như quyền lợi thiết thực, nên đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho giáo viên, học sinh và nhân dân.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT khen thưởng các giáo viên có thành tích trong Hội thi giáo viên dạy giỏi. |
Thứ hai: Việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục tiếp tục được thực hiện khoa học. Quy mô mạng lưới trường lớp đã cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, các trường có nhiều khu vực lẻ dần được sắp xếp lại, tạo điều kiện để quản lý cũng như đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất nhà trường. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 577 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 151 trung tâm học tập cộng đồng và 50 trung tâm ngoại ngữ - tin học/trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động.
Thứ ba: Chủ động linh hoạt trong tổ chức dạy học; công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 bài bản, có chất lượng đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục được rà soát, không ngừng được đầu tư; công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên kịp thời; chọn sách giáo khoa phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội; biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đúng tiến độ; xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu người học.
Chương trình Ngày hội truyền thông trường học an toàn và chất lượng để lại nhiều thành công tốt đẹp. |
Thứ tư: Chất lượng giáo dục được giữ vững. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đại trà có bước tiến vượt bậc. Trung bình điểm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Toán và môn Ngữ văn cao hơn năm trước (trung bình điểm bài thi môn Toán cao hơn 0.39 điểm; môn Ngữ văn cao hơn 0.15 điểm); điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào lớp 10 THPT cao hơn năm trước, trường cao nhất là 30.75 điểm (năm trước 30.25 điểm); điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT đạt 6.225, xếp thứ 38 toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm 2021.
Tổ chức thành công ngày lễ trọng đại của ngành
Thứ năm: Toàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức Giải Bóng chuyền nam, nữ công chức, viên chức, người lao động ngành GD&ĐT; Hội diễn văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tổ chức các hoạt động tri ân; đến thăm, chúc mừng, tặng hoa và quà cho các trường vùng khó, các giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;... Các hoạt động đó đã góp phần động viên tinh thần cho đội ngũ đồng thời tạo sự lan toả giúp toàn xã hội hiểu hơn, chia sẻ, quan tâm, đồng thuận với các hoạt động của ngành.
Ngành Giáo dục Quảng Bình tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Thứ sáu: Làm tốt công tác phổ cập giáo dục. Mặc dù tỉnh có nhiều xã điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nhưng với phương châm “ở đâu có học sinh, ở đó có hoạt động dạy và học”, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Tháng 10/2022, Bộ GD&ĐT đã công nhận Quảng Bình là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Thứ bảy: Huy động nhiều nguồn lực để phát đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, đặc biệt ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã tích cực huy động các nguồn lực khác. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được thực hiện nghiêm túc và đã bàn giao 10.000 máy cho học sinh thuộc diện hưởng lợi từ Chương trình trước Tết Nguyên đán Quý Mão.
Vào dịp Tết, đời sống giáo viên được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. |
Thứ tám: Công tác truyền thông giáo dục được quan tâm. Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện nhiều chương trình, bài viết về giáo dục, trong đó phối hới với Báo Giáo dục và Thời đại đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền các hoạt động của ngành Giáo dục.
Thứ chín: Công tác tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) được quan tâm và mang lại hiệu quả cao. Công tác thông tin tuyên truyền về CCHC nhằm mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; đồng thời nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của người dân, tổ chức, xã hội về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC nhà nước.
Thứ mười: Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số được chú trọng. Cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tại các trường được bổ sung, phát triển. Phòng học bộ môn Tin học được quan tâm đầu tư tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở cấp Tiểu học và cấp THCS, phục vụ việc dạy và học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Công tác hành chính quản trị, quản lý, điều hành của các cơ sở giáo dục được tăng cường xử lý trên môi trường mạng tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho CBQL giáo dục, nhà giáo.