1. Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Văn hóa Thế giới
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ, để in sách tại Việt Nam thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Mộc bản triều Nguyễn là “Di sản Tư liệu Thế giới” đầu tiên tại Việt Nam, được UNESCO công nhận năm 2009. Số mộc bản này, đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (2 Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng).
2. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - duy nhất Đông Dương
Đây là Lò phản ứng hạt nhân duy nhất ở Đông Dương (số 1 Nguyên Tử Lực, Đà Lạt) thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Lò Đà Lạt tuy công suất nhỏ (500KW) nhưng hoạt động rất an toàn và hiệu quả.
3. Thành phố Festival Hoa Việt Nam
Ngày 22/12/2009, Thủ tướng Chính phủ ký văn bản công nhận “Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Festival Hoa Đà Lạt diễn ra 2 năm 1 lần nhằm tôn vinh, quảng bá nghề trồng hoa và người sản xuất-kinh doanh hoa Đà Lạt với bạn bè trong nước và quốc tế.
4. Vùng Rau - Hoa lớn nhất
Lâm Đồng, hiện có 55.000 ha rau (chiếm 15% sản lượng rau cả nước) với thương hiệu “Rau Đà Lạt”, thu nhập bình quân 520 triệu đồng/ha/năm; Diện tích trồng hoa hơn 7.000 ha (chiếm 70% sản lượng hoa cả nước) với thương hiệu nổi tiếng “Hoa Đà Lạt”, thu nhập bình quân 1,4 tỷ đồng/ha/năm (cá biệt có doanh nghiệp đạt 4 tỷ đồng/ha/năm).
5. Vùng Chè lớn nhất
Diện tích trồng chè ở Lâm Đồng chiếm 23.600 ha, sản lượng 280.000 tấn/năm (chiếm 30% sản lượng chè cả nước) với thương hiệu nổi tiếng “Trà B’lao” và “Trà Olong Lâm Đồng”.
6. Thành phố không đèn xanh-đỏ
Đà Lạt - thành phố loại I thuộc tỉnh Lâm Đồng, nổi tiếng về du lịch, nhưng không hề có đèn xanh-đèn đỏ ở các nút giao thông. Đặc biệt, nơi đây không có xích lô và không có máy lạnh, nên được mệnh danh “Đà Lạt - thành phố 3 không”.
7. Trường CĐSP Đà Lạt - TOP 1.000 kiến trúc thế giới
Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA), công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, là 1 trong 1.000 kiến trúc tiêu biểu thế giới thế kỷ XX. Là công trình kiến trúc cổ điển và độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Năm 2001, Trường CĐSP Đà Lạt được công nhận là “Di tích Kiến trúc Quốc gia”.
8. Ga Đà Lạt - cổ kính nhất Đông Dương
Ga Đà Lạt (khởi công 1932 hoàn thành năm 1938), là ga xe lửa cổ kính đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Đây là công trình kiến trúc, vừa duyên dáng vừa độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc Nhà rông Tây Nguyên, được công nhận “Di tích Kiến trúc Quốc gia” năm 2001.
9. Crazy House - TOP 10 Tòa nhà kì dị nhất thế giới
Trong khu vườn hơn 2.000m2 (3 Huỳnh Thúc Kháng, Đà Lạt) có 4 biệt thự hình gốc cây và 2 nhà rông cách điệu bằng bê tông cốt thép, nhưng có sức hút kỳ lạ. Nội thất Crazy House gồm các phòng ngủ, sinh hoạt cộng đồng trong “bụng” cây, với những lò sưởi hình Quả bầu, Chuột túi, Con gấu, Đại bàng, Con hổ, Tổ kiến… rất ngộ nghĩnh. Biệt thự Crazy House (Ngôi nhà quái dị) được Tạp chí People’s Daily xếp vào “Top 10 Tòa nhà kỳ dị nhất thế giới”. KTS-TS Đặng Việt Nga (con gái cố Tổng bí thư Trường Chinh) là tác giả thiết kế, chỉ đạo thi công và chủ nhân biệt thự này.
10. Cây Phượng trắng duy nhất Việt Nam
Đây là cây Phượng trắng duy nhất ở Việt Nam nở hoa vào mùa xuân (tại Biệt thự 75 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt). Năm 1998, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang cây con từ Úc về trồng tại vườn nhà, 5 năm sau thì nở hoa tuyệt đẹp. Phượng trắng (tên khoa học White Jacaranda), hoa nở từng chùm màu trắng muốt tinh khôi, luôn hút hồn người dân và du khách thập phương.