Việc tự chủ, phân tầng cho các trường ĐH đóng vai trò hết sức quan trọng. Góp phần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của các trường trong chiến lược đổi mới GDĐH. Tăng cường tự chủ đại học
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, xu hướng các trường đại học có quyền tự chủ và có năng lực quản trị càng ngày càng trở nên cấp thiết. Chúng ta đang từng bước thực hiện tự chủ đại học theo Nghị quyết 77 của Chính phủ và sắp tới là Nghị định về tự chủ đại học. Trong đó từng bước xây dựng hệ thống quản trị đại học.
Đối với trường đại học công lập, để Hội đồng trường thành cơ quan quyền lực cần quy định quyền, vai trò và trách nhiệm của Hội đồng trường.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, để tăng quyền lực và trách nhiệm của Hội đồng trường, ngoài chức năng, nhiệm vụ như quy định trong Luật, còn tăng thẩm quyền quyết định, trong đó có bầu Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Phương án Hội đồng trường tổ chức quy trình bầu Hiệu trưởng, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận là hợp lý. Tuy nhiên, cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền cụ thể là gì, vì hiện tại Bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản.
GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm UBVHGD TNTNNĐ của Quốc hội) cho rằng, để tăng quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ sở giáo dục phải có năng lực thực hiện quyền tự chủ trong từng lĩnh vực. Phạm vi tự chủ không chỉ giới hạn trong hoạt động học thuật (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế) mà còn bao gồm cả hoạt động tổ chức, cán bộ và tài chính, tài sản. Cụ thể, điều kiện quan trọng nhất để thực hiện quyền tự chủ học thuật là các cơ sở GDĐH phải được kiểm định chất lượng; với quyền tự chủ tài chính là năng lực quản lý và tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên; với quyền tự chủ về tổ chức - bộ máy là năng lực về quản lý và phát triển đội ngũ.
Theo GS Đào Trọng Thi, đi đôi với quyền tự chủ, cơ sở GDĐH có trách nhiệm giải trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, xã hội và các bên liên quan về việc thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình, công khai minh bạch các thông tin và kết quả hoạt động theo quy định. Tăng cường tự chủ đại học là một giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực cho sự phát triển GDĐH.
Xu thế tất yếu nâng tầm chất lượng
Theo GS Đào Trọng Thi, việc phân tầng là yếu tố rất quan trọng đối với quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH. Theo ông, “đối với cơ sở GDĐH công lập sau khi Hội đồng trường quyết nghị vẫn cần trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Việc xếp hạng quy định trong Luật hiện hành được hiểu theo nghĩa phân hạng cơ sở GDĐH theo tinh thần phân loại xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ. Việc phân hạng các cơ sở GDĐH cần cho công tác quản lý Nhà nước và nên được quy định trong Luật GDĐH.
Còn việc xếp hạng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lại được hiểu theo nghĩa xếp thứ hạng các cơ sở GDĐH. Việc này cũng rất cần, thường do các tổ chức độc lập thực hiện và không nhất thiết phải quy định trong Luật.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH tự quyết định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng thực hành mà không có sự phân tầng trước theo quy định của Nhà nước sẽ có nguy cơ dẫn tới hỗn loạn bởi theo tổng kết thực tiễn thì các trường đều có xu hướng leo thang sứ mệnh. Theo tôi việc phân tầng phải do Chính phủ thực hiện trong đó xác định một số đại học định hướng nghiên cứu được Nhà nước đầu tư để làm đầu đàn dẫn dắt hệ thống GDĐH. Từng cơ sở GD sẽ xác định sứ mệnh của mình trong phạm vi đã được phân tầng”.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, chỉ từ chỗ trường đại học nào cũng được xưng danh là “university” giống nhau nên thực hiện việc triển khai phân tầng rất khó khăn.
Về phân tầng nên thay bằng phân loại (classification) thì hợp lý hơn, mặc dù về bản chất là xếp các cơ sở giáo dục đại học theo các tầng. Mục tiêu của việc phân loại là nhằm định hướng và giao nhiệm vụ của Nhà nước cho 1 cơ sở giáo dục đại học, kể cả về mặt đầu tư.
Tuy nhiên, quy định phân loại các cơ sở đào tạo đại học nên theo các tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế: Tiêu chuẩn xếp hạng cơ bản cho các đại học (university) và các trường đại học (college).