Yếu tố góp phần gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã xác định một yếu tố có khả năng góp phần gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cách đây 250 triệu năm.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện các mỏ khoáng sản ở khu vực phía Nam Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện các mỏ khoáng sản ở khu vực phía Nam Trung Quốc.

Các phân tích khoáng chất ở miền Nam Trung Quốc chỉ ra rằng, những vụ phun trào núi lửa đã tạo ra một “mùa đông núi lửa” làm hạ nhiệt độ Trái đất xuống đáng kể. Đây là một sự thay đổi làm tăng thêm các tác động môi trường do nhiều hiện tượng khác gây ra vào thời điểm đó.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances đã xem xét sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Permi (EPME). Đây là sự kiện tuyệt chủng nghiêm trọng nhất trong 500 triệu năm qua, “xóa sổ” 80 - 90% loài sinh vật trên đất liền và đại dương.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi ông Michael Rampino - Giáo sư tại Khoa Sinh học của Trường Đại học New York (Mỹ). Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu điều gì có thể gây ra thảm họa sinh thái toàn cầu này. Nhiều ý kiến ​​chỉ ra rằng, sự phun trào một lượng khổng lồ dung nham tại Siberia là nguyên nhân góp phần gây ra tuyệt chủng.

Những vụ phun trào này gây ra nhiều tác hại tới môi trường, bao gồm cả sự nóng lên toàn cầu nghiêm trọng. Bởi, núi lửa giải phóng carbon dioxide (CO2) cũng như liên quan đến tình trạng giảm oxy của nước biển. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt sinh vật biển chết.

Nhóm nghiên cứu bao gồm hơn 20 nhà khoa học từ Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) và Viện Địa hóa Quảng Châu cũng như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia của Viện Smithsonian và Đại học Bang Montclair. Các nhà khoa học đã xem xét những yếu tố có thể đã góp phần vào sự kiện tuyệt chủng ở cuối kỷ Permi, kéo dài từ 300 triệu đến 250 triệu năm trước.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện các mỏ khoáng sản ở khu vực phía Nam Trung Quốc, bao gồm đồng và thủy ngân. Những mỏ khoáng sản này có tuổi trùng với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Permi. Các nhà khoa học phát hiện, những chất này có sự bất thường trong thành phần. Điều đó có thể là do khí thải giàu lưu huỳnh từ các vụ phun trào núi lửa gần đó.

“Các sol khí trong khí quyển axit sulfuric được tạo ra bởi những vụ phun trào có thể là nguyên nhân khiến Trái đất lạnh đi nhanh chóng, trước khi hiện tượng ấm lên nghiêm trọng xảy ra trong khoảng thời gian sinh vật tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Permi”, Giáo sư Rampino giải thích.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy, các vụ phun trào núi lửa ở Siberia không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Permi. Trong khi đó, những tác động môi trường của các vụ phun trào ở Nam Trung Quốc và những nơi khác có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tuyệt chủng của hàng chục loài sinh vật.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ